Để quản lý tốt nợ xấu tại các ngân hàng thương mại
Làm thế nào để quản lý, kiểm soát được nợ xấu là vấn đề hết sức quan trọng đối với các ngân hàng thương mại, bởi tỷ lệ nợ xấu gia tăng đồng nghĩa với tắc nghẽn “mạch máu” của nền kinh tế nói chung và của toàn hệ thống ngân hàng nói riêng.
Một số chuyển biến ban đầu
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng là khoảng 2,46%. Trong số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012 đến năm 2015 (khoảng 500 nghìn tỷ đồng), chủ yếu các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý, chiếm 55,4%, số còn lại là bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).
Bằng nhiều động thái quyết liệt của cả hệ thống, tỷ lệ nợ xấu qua các năm có xu hướng giảm từ 3,3% năm 2011 xuống 3,25% năm 2014. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu vẫn cao. Từ cuối quý I/2015, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 3,81%, sau đó giảm dần, dao động từ 2.55% thời điểm tháng 12/2015 xuống 2,46% tháng 12/2016.
Cùng với quyết tâm hạ thấp tỷ lệ nợ xấu, cơ cấu tín dụng theo ngành nghề chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp (từ 9% năm 2011 lên 20,06% tại tháng 12/2016), giảm tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và đặc biệt là nhóm ngành thương mại, điện tử, viễn thông có tỷ trọng giảm mạnh nhất (từ 27% năm 2011 giảm còn 21,3% tại tháng 12/2016).
Mặt khác, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các quy chuẩn, quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động, trong đó, áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Đến nay, các ngân hàng cơ bản đã xây dựng được mô hình quản lý nợ đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Mô hình quản lý nợ xấu tại các ngân hàng bao gồm bộ phận chuyên trách xử lý nợ xấu từ hội sở đến chi nhánh. Trung tâm xử lý nợ tại các ngân hàng do lãnh đạo cấp cao trực tiếp phụ trách, chỉ đạo sát sao tới từng bộ phận và cán bộ nhân viên.
Việc xử lý nợ xấu được kiểm tra định kỳ, đưa việc xử lý nợ xấu trở thành yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình kinh doanh của chi nhánh và kết quả làm việc của cán bộ nhân viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, thực tiễn còn một số hạn chế là một số ngân hàng vẫn chưa xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu kéo dài, việc đo lường và đánh giá rủi ro danh mục tín dụng, áp dụng chính sách khách hàng chưa linh hoạt…
Việc xử lý tài sản bảo đảm bị chậm ảnh hưởng rất lớn tới nợ xấu của ngân hàng như làm tăng chi phí hoạt động trong quá trình thu hồi nợ. Ngoài ra, các tài sản bảo đảm sẽ bị sụt giảm giá trị nghiêm trọng nếu việc phát mại bị dây dưa, như hàng hóa lưu kho, sau khi bán đã không đủ để bù đắp cho khoản vay và lãi phát sinh…
Để quản lý tốt nợ xấu
Để kết quả xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, cần quan tâm đến một số nội dung sau.
Một là, xây dựng, duy trì, thiết lập hệ thống tài chính vững chắc gồm việc quy định các chuẩn mực, quy tắc, chế độ kiểm toán, quyết toán, kế toán, quản trị riêng biệt, khuôn khổ điều tiết, giám sát thị trường tài chính, thị trường tiền tệ... Qua đó, xác định những mục tiêu cốt lõi hỗ trợ hệ thống tài chính hoàn thành vai trò của mình, bảo đảm tốc độ và chi phí chu chuyển vốn, khả năng truyền tải và phân tán rủi ro tài chính.
Hai là, siết chặt các quy chế điều tiết để bảo đảm an toàn hệ thống sẽ luôn được đặt lên trước hết bất kể khi nào hệ thống ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao, bao gồm cả các mối đe dọa như khủng hoảng hoặc thậm chí là phá sản.
Ba là, giám sát nợ xấu một cách có hiệu quả thông qua hoạt động phân tích, phân loại nợ xấu theo định kỳ. Để việc xử lý nợ xấu được kịp thời, đạt được hiệu quả cao, thì khâu cảnh báo, phát hiện sớm nợ xấu phát sinh là rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến quá trình xử lý nợ sau này.
Bốn là, tăng cường pháp chế là giải pháp cần thực hiện nhanh chóng để có một chế độ và trật tự pháp luật, trong đó tất cả các chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác.
Năm là, đối với từng ngân hàng, cần nâng cao năng lực tài chính như: nâng cao năng lực vốn chủ sở hữu, nâng cao chất lượng tài sản. Các NHTM đặc biệt là những ngân hàng nhỏ hiện nay cần gấp rút thực hiện lộ trình tăng vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh việc xử lý dứt điểm nợ xấu bằng quỹ dự phòng rủi ro, phát mại tài sản, các ngân hàng có thể chuyển khoản nợ sang công ty chuyên xử lý nợ xấu. Để nâng cao chất lượng khoản nợ, ngân hàng cần tuân thủ nghiêm túc quy trình cho vay, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát khoản vay đúng quy định.