Tái cơ cấu ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng về chủ đề "Tái cơ cấu ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2011-2015 đã đạt được kết quả tích cực; quy mô thu NSNN bằng khoảng 2 lần giai đoạn 2006-2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005.
Tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển
Báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng về chủ đề "Tái cơ cấu ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Nghị quyết Đại hội XI giao ngành Tài chính thực hiện 4 nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ cấu ngân sáchquan trọng. Trong đó, Nghị quyết của Đại hội XI đặt ra tỷ lệ động viên vào NSNN trong 5 năm ( 2011- 2015) đạt 23 - 24% GDP.
“Tính chung cả giai đoạn đạt được 23,5% GDP, ngành Tài chính đã hoàn thành kế hoạch trong điều kiện chỉ tiêu kinh tế là 5,9%, suy giảmso với mục tiêu đặt ra là 7% và chúng ta cũng giảm các chính sách thuế từ thuế thu nhập cá nhân đến thuế thu nhập doanh nghiệp nhanh hơn lộ trình, thực hiện xóa, miễn, giảm nhiều loại phí, lệ phí; cắt giảm thuế xuất nhập khẩu để hội nhập...”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Kết quả thu NSNN giai đoạn 2011-2015 đã đạt được là tích cực: Quy mô thu NSNN bằng khoảng 2 lần giai đoạn 2006-2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005. Cơ cấu thu nội địa tăng từ mức 58,9% giai đoạn 2006-2010 lên 68% giai đoạn 2011-2015, riêng năm 2015 thu nội địa chiếm khoảng 74% tổng thu NSNN, cao hơn kế hoạch đề ra (là 70%).
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, cân đối thu ngân sách (NS) đạt kết quả tích cực, NS Trung ương đóng vai trò chủ đạo, NS địa phương phát triển mạnh mẽ. Trong đó, NS địa phương chiếm 60% tổng thu NS, trên cơ sở đó hỗ trợ cho các địa phương khó khăn, dành nguồn lực cho phát triển đất nước; cơ cấu thu nội địa tăng lên 74% tổng thu ngân sách vào năm 2015. Các chỉ tiêu thu liên quan dầu thô, thuế nhập khẩu, bán quyền sử dụng đất đều tăng 6%. Thu ngân sách không chỉ dựa chủ yếu vào tài nguyên khoáng sản mà đã dựa vào sản xuất trong nước.
Về cơ cấu nợ công, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: "60% nợ công vay trong nước, 40% là vay ngoài nước, trong số vay ngoài nước thì 94% là vốn vay ODA, vẫn đảm bảo được. Cơ cấu nợ công đảm bảo được tính bền vững hiện tại và trong tương lai".
Để đảm bảo cơ cấu ngân sách hướng tới phát triển, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Nghị quyết cần bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến cơ cấu ngân sách như phấn đấu cơ cấu thu ngân sách 80% là thu từ nội địa; các khoản thu từ dầu thô, thuế nhập khẩu, bán quyền sử dụng đất nhỏ hơn 5% trong tổng thu ngân sách, để đảm bảo ổn định ngân sách.
“Nếu đạt được cơ cấu này mới đảm bảo được ổn định và phát triển về ngân sách trong tình hình giá dầu thô biến động và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, bởi hiện nay Việt Nam thực hiện cắt giảm 11.600 dòng thuế, đến hết năm 2015 đã cắt được 8.300 dòng thuế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần cơcấu lại chi NSNN hướng tới hiệu quả, bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng chi thường xuyên giảm khoảng 10% so với dự toán năm 2015; qua đó góp phần tăng chi đầu tư phát triển từ mức 17% dự toán chi NSNN năm 2015 lên trên 20%; đảm bảo các nghĩa vụ chi trả nợ đến hạn.
Phấn đấu giảm dần bội chi NSNN, tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật NSNN hiện hành bình quân khoảng 4,9% GDP. Tính theo quy định của Luật NSNN (năm 2015, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017) thì bình quân khoảng 4% GDP.
Bảo đảm dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định: Đến năm 2020, nợ công không quá 65%GDP; nợ Chính phủ không quá 55%GDP; nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%GDP.
Hoàn thành cổ phần hóa, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
Về các giải pháp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần đổi mới thể chế chính sách, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp (DN) để tạo môi trường cạnh tranh cho DN phát triển, tạo nguồn thu bền vững.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cần đưa ra yêu cầu về mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xã hội hóa, giao quyền tự chủ đầy đủ, nhất là tự chủ về tài chính cho khối đơn vị sự nghiệp công, đối với ngànhY tế trước năm 2018 và ngành Giáo dục trước năm 2019 phải tự chủ được tối thiểu 80%; tiếp tục dồn nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, đối tượng nghèo, cận nghèo...
Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường tài chính, tăng tỷ trọng vốn của DN huy động trực tiếp từ nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán, để DN bớt lệ thuộc vào phần vốn tín dung.
"Đặc biệt cần phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa DN, sắp xếp lại DN nhà nước, phát triển được DN dân doanh, xây dựng chính sách thuế riêng cho DN vừa và nhỏ, xây dựng cơ chế và các quỹ khuyến khích phát triển DN vừa và nhỏ thay cho cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ hiện nay....", Thứ trưởng nhấn mạnh.