Lãi suất huy động giảm nhiệt

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Sau đợt tăng lãi suất huy động trước và sau Tết Nguyên đán, một số ngân hàng hiện đã điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, điều này không phải là xu thế dài hạn hoặc cả năm, mà chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định.

Nhiều ngân hàng như VIB, VPBank, MB, VietinBank, Vietcombank… công bố giảm lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong tháng 3/2018. Nguồn: Internet
Nhiều ngân hàng như VIB, VPBank, MB, VietinBank, Vietcombank… công bố giảm lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong tháng 3/2018. Nguồn: Internet

Nhiều ngân hàng như VIB, VPBank, MB, VietinBank, Vietcombank… công bố giảm lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong tháng 3/2018.

Giảm 0,1 - 0,5 điểm phần trăm

Một số ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh mức thỏa thuận lãi suất tiền gửi với khách hàng giảm 0,1-0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giảm này chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.

Một nhân viên giao dịch VPBank trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Hà Nội) cho biết kể từ ngày 30/3, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và 12-36 tháng điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm, kỳ hạn 6-7 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm và kỳ hạn 8-11 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm.__

Trước đó, trong tháng 2, VPBank cũng đã có một đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động: giảm 0,1% kỳ hạn 1-11 tháng và 18-36 tháng xuống 5,2-7,1%. Ngoài ra, nhà băng này cũng giảm 0,2% lãi suất kỳ hạn 12-13 tháng xuống 7,1% (kỳ hạn 15 tháng vẫn giữ nguyên 6,9%).

Trên thị trường, không chỉ có VPBank, từ đầu năm đến nay, VIB cũng đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.

Mới đây, nhà băng này đã giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 1-3 tháng giảm xuống còn 5-5,1%. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng đã giảm 0,2-0,4 điểm phần trăm. Hiện, lãi suất của kỳ hạn 6 tháng là 6%-6,3%._

Riêng MB lại điều chỉnh giảm lãi suất 0,1-0,2 điểm phần trăm so với đầu tháng 2 ở một số kỳ hạn ngắn, trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%. Hiện, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 4,8%, 2 tháng là 4,9%, 3-4 tháng là 5,2%. Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2% xuống còn 5,5%.

Ở khối ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước, lãi suất giảm xuống sâu hơn. Tại VietinBank, trần lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng giảm tới 0,5 điểm phần trăm so với trước đây, hiện chỉ còn 4,8%.

Tuy nhiên, Vietcombank vẫn là ngân hàng đang có mức lãi suất huy động thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. Sau khi giảm 0,1% lãi suất huy động cá nhân các kỳ hạn 1-9 tháng, hiện mức lãi suất tiền gửi của nhà băng này ở mức 4,1-5,3%.

Thực tế, việc tăng lãi suất chủ yếu là do tự điều chỉnh theo chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng. Có thể việc tăng lãi suất là do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số ngân hàng có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung – cầu thị trường.

Lý giải cho xu hướng giảm nhiệt lãi suất huy động, các chuyên gia cho rằng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua một lượng lớn USD dự trữ, đã cung ứng ra thị trường một lượng tiền đồng không nhỏ.

Đồng thời, sau một thời gian tìm cách tăng vốn bằng các hình thức khuyến mãi, tặng quà, tặng lãi suất…, các ngân hàng đến nay đã huy động được lượng vốn đáng kể nên vấn đề thanh khoản không quá căng thẳng.

Mặt bằng lãi suất khó giảm

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến hết tháng 3, thanh khoản của toàn hệ thống ổn định, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động ở mức 88,2%, cao hơn so với cuối năm 2017 (87,8%). Trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3% so với cuối năm 2017, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái 2,6%.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trong quý I chậm lại so với cùng kỳ. Vì vậy, các ngân hàng phải tạm thời giảm đi phần huy động vốn ngắn hạn, thay vào đó là tăng huy động nguồn vốn dài hạn, nên lãi suất huy động giảm nhẹ hiện nay là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều ngân hàng sử dụng một nguồn vốn huy động ngắn hạn để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, để giảm rủi ro và áp lực, các ngân hàng phải điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn, tăng vốn huy động trung và dài hạn để bù trừ vào khoản tiền đã đầu tư vào trái phiếu.

Một lý do nữa, việc điều chỉnh này cũng là để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 36 _của_NHNN quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng.

Như vậy, có thể nói, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Thông tin về hoạt động ngân hàng trong 2 tuần của tháng 4, NHNN cho biết mặt bằng lãi suất huy động bằng VND trên toàn hệ thống hiện phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; Kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.

Đánh giá mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới, một số chuyên gia nhận định có thể một số ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh đồng bộ đối với cơ cấu huy động vốn, nhưng điều này không phải là xu thế dài hạn hoặc cả năm, mà chỉ xảy ra ở những ngân hàng có sự điều chỉnh tăng lãi suất thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, về lâu dài, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giữ ổn định. Trong năm nay, NHNN sẽ không điều chỉnh trần lãi suất huy động tiền gửi, do áp lực lạm phát và các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản… đang hấp dẫn các nhà đầu tư.