“Lặng lẽ” cổ phiếu ngân hàng, dân chơi lướt sóng thở dài

Minh Lâm

Trong khi thị trường tăng vèo vèo thì cổ phiếu ngân hàng vẫn “bèo nhèo” đứng yên. Cố giữ cổ phiếu chờ phục hồi, nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đang dần ngao ngán, thở dài vì “vô tình lướt sóng, bỗng thành cổ đông” của nhiều ngân hàng.

Kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý III và 9 tháng năm 2021 rất tích cực.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý III và 9 tháng năm 2021 rất tích cực.

Đứng ngoài xu thế thị trường

Sau khi thị trường vượt qua được vùng cản tâm lý 1.400 điểm, hết nhóm ngành này đến nhóm ngành khác đều đã dịch chuyển theo hướng đi lên. Trong khi đó, nhóm ngành Ngân hàng vẫn không thể kích được dòng tiền vào trở lại, mà chỉ loanh quanh quay về vùng đáy cũ, không có cửa hồi.

Chỉ có ít mã như TCB, TPB, VIB, OCB, MSB là duy trì được sự phục hồi ngắn hạn, do có sự chia tiền từ người tham gia bắt đáy. Còn hầu hết số còn lại đang trong sự lịm dần. Đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh giảm khoảng 30% so với đỉnh cũ.

Trong lúc thị trường thăng hoa, cổ phiếu nhóm ngành Ngân hàng chỉ được một phiên chợt loé sáng (phiên 3/11) rồi lịm dần đi, không có thêm chuyển động tích cực nào khác, khiến nhiều nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”. Nhiều nhà đầu tư chỉ biết than trời, không biết đến khi mới “về bờ”, bởi danh mục cổ phiếu ngân hàng của họ vẫn đỏ, âm vốn.

Cũng chẳng sai khi nói rằng, cổ phiếu ngân hàng là loại cổ phiếu quá nhiều... giấy. Đặc điểm của dòng ngân hàng là không chia cổ tức cho cổ đông một đồng lãi nào mà chỉ toàn chia giấy. Hàng tỷ cổ phiếu đang lưu hàng trên thị trường, vừa rồi nhiều ngân hàng lại tăng vốn, phát hành bơm thêm hàng tỷ cổ phiếu nữa.

Do đó, diễn biến cho ngành Ngân hàng trong ngắn hạn là rất khó đoán, khiến dòng tiền chán nản, đặc biệt ảnh hưởng tới người đầu tư lướt sóng. Hiện không dễ để kéo lại cầu ngay cho dòng ngân hàng trong các phiên sắp tới, nếu khả quan thì chỉ có thể hồi phục trong ngắn hạn rồi quay về mức tham chiếu.

Anh Bùi Thanh (Ba Đình) cho biết, sau thời gian dài bị chôn vốn, anh đã phải cắt lỗ, chấp nhận lỗ nặng để chạy qua đầu tư nhóm Bất động sản, Phân đạm... để gỡ vốn.

Hay như anh Vũ Hưng (Cầu Giấy) kể rằng, anh đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng từ khi nó còn là cổ phiếu vua cách đây hơn 3 tháng và vẫn bị “kẹp hàng” đến tận bây giờ. “Tôi ban đầu tính chơi lướt sóng, nhưng mua ngay lúc gần đỉnh, chờ mỗi ngày nhóm ngân hàng hồi để thoát mà không thấy. Có lẽ giờ tôi nên đi may bộ vest tử tế để chuẩn bị dự đại hội cổ đông ngân hàng”, anh Hưng chia sẻ.

Hàng dài hạn, cần kiên nhẫn

Không như dự kiến bi quan về nền kinh tế trong dịch bệnh, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý III và 9 tháng năm 2021 rất tích cực. Nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ, trong số đó phải kể đến SHB, OCB, MSB, HDB, TCB, MBB, VCB… là những ngân hàng vốn hóa lớn nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận từ 15% đến 98%, lãi ròng hàng nghìn tỷ đồng và chỉ có 5 ngân hàng trong hệ thống tăng trưởng âm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý III tốt không đủ làm yếu tố hỗ trợ đẩy giá cổ phiếu ngân hàng đi lên trong giai đoạn thị trường hiện nay.

Theo ông Phùng Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán AIS, cổ phiếu ngân hàng phản ánh kỳ vọng vào hiện tại và tương lai chứ không phản ánh lại quá khứ. Quý III đã đi qua rồi, nên không thế lấy mức tăng lợi nhuận của quý III là lý do để đẩy giá cổ phiếu đi lên mức đỉnh trước đó.

Câu chuyện lãi suất giảm, ám ảnh nợ xấu bị cất giữ khiến kỳ vọng lợi nhuận cũng giảm theo. Điều này có thể phản ánh rõ nhất vào giá cổ phiếu ngân hàng hiện tại. Do đó, trong ngắn hạn trước mắt, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa được đánh giá cao, sẽ có những biến động nhỏ trong biến độ hẹp dần. Chỉ một số cổ phiếu đặc thù mới có thể vượt đỉnh đi lên và sự lựa chọn đã trở nên khó khăn.

Có thể nói rằng, cổ phiếu ngân hàng đang trở thành “tội đồ” đối với dân chơi lướt sóng. Nhưng trong mắt nhiều nhà đầu tư khác, việc chiếm một tỷ trọng lớn về vốn hoá trị trường trên HoSE, cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn, có nhiều tiềm năng trong trung hạn và dài hạn.

Khả năng cao, phải đến sau quý I/2022 khi nền kinh tế phục hồi rõ rệt và chu kỳ tín dụng kinh tế được bơm ra, ngân hàng sẽ quay trở lại ngôi vua để dẫn dắt thị trường chứng khoán.