Tập trung tái cấu trúc thị trường chứng khoán
Để phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) bền vững, đạt được mục tiêu đã đề ra, cần đẩy mạnh tập trung vào nhóm giải pháp cấu trúc lại thị trường, phát triển các sản phẩm mới để đa dạng hóa kênh đầu tư và phân tán rủi ro.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chính thức hoạt động được hơn 20 năm. Như vậy, thời gian hoạt động của thị trường chưa dài so với TTCK của nhiều nước trên thế giới. Mặc dù quá trình chuẩn bị để xây dựng TTCK Việt Nam trước đó rất công phu, nhưng quá trình hình thành và phát triển cũng có những đặc thù.
Những tồn tại nhất định
Đến nay, thị trường đã bộc lộ một số tồn tại nhất định. Trong đó, các sản phẩm trên thị trường tương đối phong phú, nhưng chủ yếu vẫn là những công cụ đầu tư cơ bản như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Các sản phẩm phái sinh đã có nhưng chưa thật sự đa dạng, để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Cụ thể, thị trường cổ phiếu hoạt động thiếu các cổ phiếu lớn, tỷ lệ vốn hóa chưa thật sự cao, số lượng các công ty niêm yết ở Việt Nam hiện nay rất nhỏ, dẫn tới hàng hóa trên thị trường chưa đạt chất lượng như kỳ vọng. Đặc biệt hiện nay, trên thị trường cổ phiếu chưa thấy tham gia hiệu quả và đầy đủ của các doanh nghiệp Nhà nước có qui mô lớn, thuộc các ngành nghề quan trọng nên thiếu tính chiều sâu của thị trường.
Riêng thị trường trái phiếu còn quy mô nhỏ, trái phiếu doanh nghiệp sơ sài, thị trường trái phiếu sơ cấp thiếu hiệu quả. Hệ thống môi giới sơ cấp còn sơ khai, thị trường thứ cấp thanh khoản thấp, vắng bóng nhà đầu tư tổ chức vững chắc.
Trong khi đó, hệ thống thông tin tài chính chưa thật sự minh bạch đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình phân tích đầu tư. Trong thời gian qua, TTCK đã xảy ra những vụ thao túng thị trường, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến hoạt động chung của thị trường.
Về chế tài xử phạt chưa đủ nghiêm minh, chưa đủ mạnh, kỷ luật thị trường lỏng lẻo. Hệ thống văn bản pháp luật chưa thật sự hoàn thiện, kín kẽ; cơ chế bảo vệ khách hàng, bảo vệ nhà đầu tư rất yếu, vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro cho nhà đầu tư và cho cả nền kinh tế.
Nâng cấp độ cấu trúc thị trường
Cùng nhìn lại TTCK Việt Nam trong quãng thời gian kể từ năm 2020 - năm bắt đầu của đại dịch COVID-19 đến nay, có thể thấy được cả kết quả khả quan và những tồn tại của thị trường này.
Về kết quả đạt được, TTCK đang trên đà phát triển các sản phẩm, bộ chỉ số và phương thức giao dịch mới. Tuy nhiên, có một số điểm cần khắc phục trong giai đoạn này, đòi hỏi phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó, cần chú trọng vào những vấn đề lớn như:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cấp độ tái cấu trúc TTCK hướng tới phát triển bền vững. Với sự ra đời của “Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm” đã xác định được mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và hoạch định các giải pháp trên 4 nhiệm vụ gồm: Cơ cấu tổ chức thị trường; Cơ cấu lại cơ sở hàng hoá; Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư; và Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Mặc dù quá trình tái cấu trúc đã đạt được kết quả nhất định, nhưng vẫn cần tiếp tục nâng cấp độ, duy trì chiến lược phân cấp hệ thống các công ty chứng khoán (CTCK), hoàn thiện tái cấu trúc công ty chứng khoán thông qua việc tăng cường giám sát theo chuẩn CAMEL. Hệ thống các CTCK được chia làm 4 nhóm căn cứ vào vốn khả dụng. Trong từng nhóm CTCK đó cần phải có giải pháp cụ thể về năng lực tài chính, cơ cấu lại hoạt động của công ty làm tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực quản trị và điều hành công ty.
Kiên định việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con, phân định thị trường chứng khoán cũng như phân khúc hàng hoá cho thị trường phù hợp, hướng tới phục vụ tốt nhất nhà đầu tư, đảm bảo công bằng minh bạch và hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục nâng cấp độ cấu trúc cơ cấu hàng hoá bằng cách thực hiện đồng bộ giải pháp cho bộ ba: Thị trường cổ phiếu; Thị trường cổ phiếu; Thị trường chứng khoán phái sinh.
Thị trường cổ phiếu ở Việt Nam có tốc độ tăng khá tốt nhưng tính ổn định thấp, Chính phủ nên tiếp tục tăng tốc cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt các doanh nghiệp về viễn thông, hàng không và dầu khí để có thêm hàng hóa chất lượng cao cho thị trường, làm trụ cột cho bên cung, từ đó sẽ hình thành trụ cột cho bên cầu. Khi hàng hóa trên thị trường có chất lượng tốt, sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài lớn tham gia vào thị trường, vì hiện nay hệ thống nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nên mở “room" cho nhà đầu tư nước ngoài vào các tập đoàn ở Việt Nam bằng cách cổ phần hóa, ngoại trừ doanh nghiệp nào mà Chính phủ muốn giữ.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp phát triển và hoàn thiện thị trường trái phiếu ở Việt Nam, bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình đăng ký, lưu ký, giao dịch và niêm yết trái phiếu trên thị trường, cơ sở vật chất cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà nội, làm nền tảng tăng tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự cần thiết, vì nguồn vốn huy động từ thị trường này giúp doanh nghiệp giảm lệ thuộc vào nguồn vốn từ các NHTM.
Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, hiện tại cơ cấu sản phẩm chưa đa dạng và chưa phải là một hàng hoá dễ tiếp cận đối với tất cả các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường truyền thông nhằm thúc đẩy đa dạng hoá cơ cấu nhà đầu tư vào công cụ phải sinh. Tiếp tục nghiên cứu sản phẩm mới theo trình tự sau: Bộ hợp đồng tương lai trên cổ phiếu riêng lẻ, Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu; Bộ hợp đồng quyền chọn cổ phiếu riêng lẻ, Hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán.
Thứ ba, cần có một hệ thống giám sát thị trường minh bạch, hiệu quả. TTCK Việt Nam hiện nay cần có chuẩn mực về thanh tra giám sát, chuẩn mực về thị trường và đặc biệt là chế tài kỷ luật của thị trường thật nghiêm minh. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản pháp luật, thiết kế công cụ thực hiện công tác giám sát và triển khai công tác giám sát giao dịch chứng khoán. Việc áp dụng khung pháp lý điều chỉnh hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán góp phần không nhỏ cho sự công bằng, minh bạch và phát triển ổn định thị trường.
Thứ tư, chú trọng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tài chính và dịch vụ hỗ trợ thị trường như hệ thống kế toán, kiểm toán; hệ thống thanh toán; hệ thống đánh giá hệ số tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp. Có như vậy, thị trường mới đủ điều kiện phát triển mạnh và bền vững.
Về hệ thống kế toán, kiểm toán, để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính doanh nghiệp niêm yết, các công ty kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp sự đảm bảo thông qua việc nâng cao tính độc lập trong kiểm toán, cải thiện chất lượng đội ngũ nhân sự. Hiện nay các công ty kiểm toán cũng đang đóng góp vào việc chuyển đổi và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, theo đề án được Bộ Tài chính phê duyệt.
Về hệ thống thanh toán: Theo quy định hiện hành, thanh toán chứng khoán được thực hiện qua Trung tâm lưu ký chứng khoán, thanh toán tiền giao dịch chứng khoán được thực hiện qua ngân hàng thanh toán và phải tuân thủ nguyên tắc chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền.
Về hệ thống đánh giá hệ số tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp, ở Việt Nam, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý trực tiếp của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đã đưa ra lộ trình phát triển cho ngành xếp hạng tín nhiệm với kế hoạch cấp phép tối đa cho 5 đơn vị cho đến thời điểm năm 2030.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của các chủ thể tham gia TTCK. Đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán cần được trang bị kiến thức, cập nhật kinh nghiệm từ các thị trường phát triển để theo kịp sự phát triển của thị trường cả về chiều rộng (đối tượng quản lý, quy mô thị trường, khối lượng giao dịch, các loại sản phẩm và dịch vụ chứng khoán) và chiều sâu (mức độ phức tạp, tinh vi và tiềm ẩn các rủi ro, biến động khó lường của thị trường); đảm bảo điều kiện năng lực công tác khi hội nhập với thị trường quốc tế.
Hậu đại dịch COVID-19 và những khó khăn xuất phát từ nội tại quá trình phát triển của thị trường tài chính nói chung, TTCK nói riêng đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong thời gian tới, để phát triển TTCK bền vững, đạt được mục tiêu đã đề ra cần đẩy mạnh tập trung vào nhóm giải pháp cấu trúc lại thị trường, phát triển các sản phẩm mới để đa dạng hóa kênh đầu tư và phân tán rủi ro.
*TS. Đặng Thị Minh Nguyệt, ThS. Nguyễn Bích Ngọc, ThS. Phạm Thu Trang, ThS Lê Nam Long, ThS. Đỗ Thùy Linh - Đại học Thương mại