"Giữ chân" dòng vốn, phải thiết kế tốt chính sách thuế đối với tiền mã hóa
Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa sắp được ban hành, đây là bước đi quan trọng không chỉ đem đến khung pháp lý rõ ràng, mà còn mở ra cơ hội để tăng nguồn thu thuế từ thị trường này.

Nhiều mô hình thuế để quản lý và kiểm soát
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tiếp cận và quan tâm tới tiền mã hóa cao nhất thế giới.
Theo báo cáo của Chainalysis, Việt Nam đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ quan tâm tới tiền mã hóa và đứng thứ 3 về tần suất sử dụng các nền tảng giao dịch quốc tế. Với khoảng 17 triệu người Việt sở hữu tiền mã hóa, tổng giá trị thị trường hiện đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD.
Do đó, đại diện một số đơn vị tư vấn và quỹ đầu tư đánh giá cao sự cởi mở của Việt Nam trong việc thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển sôi động của thị trường vốn và hòa nhập với xu thế toàn cầu.
Tuy nhiên, đối với một thị trường đầy tiềm năng như vậy, việc xây dựng cơ chế thu thuế hợp lý từ tiền mã hóa có thể mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Theo ước tính của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc áp thuế 0,1% trên mỗi giao dịch tiền mã hóa có thể mang lại hơn 800 triệu USD mỗi năm mà không gây gián đoạn tới hoạt động của thị trường.
TS. Chu Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh tại Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, hướng tiếp cận hiệu quả là đánh thuế giao dịch ở mức thấp, tương tự như thuế giao dịch chứng khoán.
Bên cạnh thuế giao dịch, Chính phủ còn có thể cân nhắc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền mã hóa, hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
TS. Chu Thanh Tuấn nhận định, nếu tiền mã hóa được phân loại là tài sản đầu tư thì lợi nhuận từ giao dịch có thể bị đánh thuế tương tự như với chứng khoán hoặc bất động sản. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tiền mã hóa cũng có thể chịu thuế với mức 20% như các doanh nghiệp truyền thống.

Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, vị chuyên gia của Đại học RMIT Việt Nam cho biết, nhiều quốc gia giới thiệu các mô hình thuế khác nhau để quản lý và kiểm soát loại tài sản kỹ thuật số này.
Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống thuế hiệu quả không nên chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo nguồn thu mới cho ngân sách, mà phải bảo đảm chính sách này không làm suy yếu thị trường hay dẫn tới hiện tượng rò rỉ dòng vốn sang các nước khác.
Phải giữ dòng vốn và ngăn chặn trốn thuế
Theo TS. Chu Thanh Tuấn, một trong những rào cản lớn nhất chính là tính ẩn danh trong giao dịch tiền mã hóa.
Khác với các giao dịch tài chính truyền thống, tiền mã hóa vận hành trên mạng lưới blockchain phi tập trung không thông qua các ngân hàng, gây khó khăn cho việc theo dõi và kiểm soát dòng tiền.
Ngay cả khi Việt Nam yêu cầu các sàn giao dịch được cấp phép tuân thủ quy trình xác minh danh tính khách hàng (eKYC), nhà đầu tư vẫn có thể chuyển tài sản của họ sang ví cá nhân hoặc giao dịch trên các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) để tránh bị đánh thuế.
Đồng thời, TS. Chu Thanh Tuấn cũng cảnh báo về nguy cơ dòng vốn chảy ra nước ngoài nếu chính sách thuế không được thiết kế tốt.
Ví dụ tại Ấn Độ, khi quốc gia này áp thuế 30% đối với lợi nhuận từ tiền mã hóa và 1% thuế trên mỗi giao dịch, khối lượng giao dịch trong nước đã giảm tới 70%, vì nhà đầu tư chuyển sang các sàn giao dịch nước ngoài.
Nên nếu Việt Nam triển khai mức thuế quá cao hoặc hệ thống thuế quá phức tạp, nhà đầu tư có thể chuyển hoạt động sang các thị trường thân thiện hơn như Singapore hay Dubai, khiến thất thoát nguồn thu thuế tiềm năng.
Một thách thức khác nằm ở hạn chế công nghệ trong việc theo dõi các giao dịch. Để đánh thuế tiền mã hóa một cách hiệu quả, TS. Chu Thanh Tuấn khuyến nghị, Việt Nam cần đầu tư vào các công cụ phân tích blockchain tiên tiến.
Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường giám sát các sàn giao dịch bằng cách yêu cầu các nền tảng giao dịch trong nước phải báo cáo chi tiết giao dịch, điều này sẽ giúp cơ quan thuế theo dõi hoạt động hiệu quả hơn.
Đồng thời, Việt Nam cần hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm giám sát các giao dịch xuyên biên giới và ngăn chặn hành vi trốn thuế.
Hơn nữa, để thu hút đầu tư mà vẫn đảm bảo nguồn thu thuế ổn định, Việt Nam cần một mô hình thuế cân bằng. Thuế giao dịch thấp kết hợp với thuế lãi về vốn trong khung thuế thu nhập cá nhân có thể giúp duy trì tính công bằng mà không làm suy yếu thị trường.
Ngoài ra, Việt Nam nên cân nhắc miễn thuế giá trị gia tăng cho tiền mã hóa, như cách Liên minh châu Âu và Singapore đã thực hiện, nhằm tránh đánh thuế 2 lần và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực.
Thay vì chỉ tập trung vào nguồn thu từ thuế, Chính phủ còn có thể tạo thêm nguồn thu từ phí cấp phép hoạt động, bằng cách yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa và các dự án phát hành tiền mã hóa lần đầu (ICO) phải đăng ký chính thức.
Tại hội thảo mới đây về kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung do Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, TS. Wayne Huang - đồng sáng lập, Giám đốc điều hành XREX (đơn vị tư vấn dịch vụ theo dõi phòng chống rửa tiền cho cơ quan quản lý Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore) đánh giá, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để bứt phá trên thị trường tài chính phi tập trung nhờ mức độ chấp nhận và sự phổ biến của tài sản mã hoá trong cộng đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần tránh quy định quá chặt chẽ sẽ khiến các doanh nghiệp khó hoạt động, qua đó đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và các quy định pháp lý khác.