Tiền ngân hàng đổ vào trái phiếu

Theo vnmedia.vn

(Tài chính) Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo đánh giá về kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường Việt Nam. Theo HSBC đánh giá, nguồn vốn nhàn rỗi với đa số các ngân hàng đang đầu tư lượng thanh khoản dư thừa của mình vào trái phiếu hơn là cho vay để khuyến khích hoạt động sản xuất. Nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp và cá nhân tiềm năng đều thấp.

Ngành sản xuất đang có đà phục hồi

HSBC phân tích cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất đã tăng trong khi tình hình các nước khác lại đang chao đảo; đặc biệt là trong bối cảnh tình hình sản xuất của Trung Quốc đang chậm lại và nhu cầu từ Mỹ yếu dần.

Đồng tiền trở nên mạnh hơn dựa vào cơ sở tỷ giá hối đoái hiệu quả thực sự trong khi đồng tiền các nước láng giềng lại yếu đi, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán cải thiện trong khi các nước khác giảm sút.

Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 3 được HSBC đưa ra với mức tăng từ  51 điểm trong tháng 2 lên 51,3 điểm, nguyên nhân là do sản lượng, đơn đặt hàng xuất khẩu mới và số lượng hàng mua tăng cao hơn.

HSBC đánh giá, hoạt động sản xuất của Việt Nam chắc chắn đang trên đà cải thiện khả năng cạnh tranh tương đối trong khu vực.

Trong tháng 2, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi nhu cầu bên ngoài yếu, mặc dù vẫn nằm ở mức tăng trưởng trên 50 điểm. Chỉ số phụ nhân công việc làm tháng 3 lại giảm, nhưng điều đó lại phản ánh nguồn cung lao động có trình độ của Việt Nam thấp hơn là do nhu cầu bị trì trệ. Các nhà quản lý cho rằng nhân công giảm là do những người lao động này đã từ bỏ công việc hiện tại để tìm kiếm nhiều cơ hội tốt hơn.

 Ảnh minh họa

                                                                                                      Nguồn: HSBC

Giá cả đầu vào trong tháng 3 đã giảm từ mức 54,4 điểm trong tháng 2 còn lại 53,9 điểm do chi phí nguyên vật liệu thô thấp bao gồm cả giá dầu. Điều này đã hỗ trợ cho giá cả đầu ra tăng chậm hơn từ mức không thay đổi 50 điểm còn 49,5 điểm, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng. Với đơn đặt hàng mới mạnh hơn, các nhà quản lý đang tăng mạnh số lượng hàng mua với chỉ số phụ này tăng từ 52,5 điểm lên 54 điểm. Những điều này đã thể hiện một khởi đầu mạnh mẽ cho lĩnh vực sản xuất trong năm 2014.

Trong khi chỉ số GDP giảm từ mức 6% trong quý IV/2013 xuống 5% của quý I so với cùng kỳ năm, lĩnh vực sản xuất vẫn đang trong giai đoạn phục hồi. Sản xuất trong quý I/2014 đã tăng lên 7,3% từ mức 7,4% trong nguyên năm 2013

Các ngành khác vẫn giảm

Ngược lại với tình hình sản xuất, đa số các ngành khác ở Việt Nam đều giảm. Lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng chậm lại còn 2,4% trong quý I/2014 so với mức 2,7% trong năm 2013. Giá cả toàn cầu giảm cũng như khí hậu lạnh bất thường ở khu vực miền Bắc đã làm tổn hại đến nông nghiệp. Lĩnh vực khai khoáng mỏ đã giảm còn âm 2,9% trong quý I/2014 từ mức âm 0,2% trong năm 2013. Nhu cầu từ Trung Quốc yếu và sự đa dạng hoá sang lĩnh vực sản xuất cũng đã gây tổn hại đến tăng trưởng của nông nghiệp.

Lĩnh vực xây dựng tăng chậm hơn từ mức 5,8% trong năm 2013 xuống còn 3,4% trong quý I/2014. Lĩnh vực dịch vụ cũng giảm từ mức 6,6% trong năm 2013 xuống còn 6% do mức độ lạc quan của người tiêu dùng yếu đi.

Ảnh minh họa

 Nguồn: HSBC

"Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng dần khi các hoạt động kinh doanh phục hồi và Chính phủ áp dụng các biện pháp để đạt được các mục tiêu tăng trưởng", HSBC nhận định.

Với niềm tin của người tiêu dùng thấp và tăng trưởng tín dụng âm, giá cả ở Việt Nam cũng đang giảm. Giá cả đang hạ nhiệt với mức giá của các loại hàng hoá cơ bản đang giảm mạnh. Giá nhà cũng đã giảm trong hai tháng vừa qua. Nhu cầu đối với quần áo và thức uống thông thường tăng rất mạnh cũng đã giảm. Trong khi mức tăng chỉ số CPI trung bình so sánh theo tháng của Việt Nam khoảng 0,9% trong vòng tám năm qua, chỉ số này đã tăng chậm lại còn 0,5% trong vòng hai năm qua.

Với xu hướng giá cả hàng hoá toàn cầu đang rất trì trệ trong hiện tại, nguồn cung gạo toàn cầu đang dư thừa, và nhu cầu tiêu dùng thấp, lạm phát có thể sẽ còn thấp hơn nữa. Trong khi HSBC kỳ vọng lạm phát toàn phần sẽ giảm xuống còn 5,5% trong năm 2014 từ mức 6,6% trong năm 2013, áp lực lạm phát tại Việt Nam lại thường có tính chất mùa vụ.

Trong những tháng hè sắp tới, đặc biệt là tháng 8 và tháng 9 theo xu hướng sẽ có áp lực lạm phát cao bắt nguồn từ học phí, chi phí sức khoẻ và giá điện tăng cao hơn. Thêm nữa, khi các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi để đáp ứng mục tiêu của năm, nhu cầu sẽ dần tăng khi tiến đến thời điểm cuối năm.

Nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp vẫn thấp

Cũng theo HSBC, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2014 giảm 1% - một dấu hiệu thể hiện sự tin tưởng thấp vào tương lai và một hệ thống tài chính còn có mức nợ xấu cao.

Nguồn thu ngân sách nhà nước giảm do nguồn thu từ thu nhập và thuế giá trị gia tăng thấp với nguyên nhân là do nhu cầu đối với nhập khẩu trì trệ và các doanh nghiệp nội địa ngày càng yếu hơn. Nguồn vốn nhàn rỗi với đa số các ngân hàng đang đầu tư lượng thanh khoản dư thừa của mình vào trái phiếu hơn là cho vay để khuyến khích hoạt động sản xuất. Nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp và cá nhân tiềm năng đều thấp.

Lao động không được sử dụng hết năng suất mặc dù có tiềm năng mạnh được thể hiện thông qua các bài kiểm tra của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA khi hệ thống giáo dục cấp ba không đủ trang bị cho các em học sinh tốt nghiệp những kỹ năng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu và các doanh nghiệp trong nước cắt giảm chi tiêu.

Chính vì vậy, Việt Nam sẽ là một nền kinh tế phát triển với hai tốc độ, HSBC nhận định. Xuất khẩu được kỳ vọng sẽ vượt trội trên phương diện cạnh tranh khu vực ngày càng tăng với chi phí lao động, điện nước rẻ hơn so với các nước láng giềng. Các hoạt động trong nước ngược lại sẽ vẫn giảm sút trừ khi các quan chức Nhà nước thực hiện các biện pháp cải cách để giải quyết vấn đề nợ xấu và cải thiện điều hành.