Vn-Index chưa thể xác lập mốc 1.400 điểm

Tuấn Phùng

Trong phiên giao dịch ngày cuối tuần 18/6, VN-Index tiếp tục chinh phục đỉnh mới khi đạt 1.377,77 điểm - mức cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Tưởng chừng kỳ vọng của nhà đầu tư nội về việc Vn-Index sẽ xác lập mốc đỉnh 1.400 điểm ngay trong phiên đầu tuần 21/6 một cách dễ dàng thì kịch bản lại hoàn toàn không phải vậy.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết phiên đầu tuần ngày 21/6, VN-Index giảm 5,14 điểm (0.37%), còn mức 1,372.63 điểm trong khi đó, chỉ số HNX-Index cũng giảm 2,49 điểm (-0,78%), còn 316.24 điểm.

Cụ thể, sàn HOSE chốt phiên với 173 mã tăng và 232 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 768 triệu đơn vị, giá trị 22.660 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng và 4,53% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 18/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,9triệu đơn vị, giá trị hơn 2.217 tỷ đồng.

Sàn HNX đóng cửa với 74 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 136,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.980 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,54 triệu đơn vị, giá trị 220,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, UPCoM-Index cũng giảm 0,51 điểm (-0,56%), xuống còn 89,71 điểm với thanh khoản 1.667 tỷ đồng.

Thị trường phái sinh cũng chung số phận khi cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm. Trong đó, VN30F2107 đáo hạn sớm nhất vào ngày 15/7 đã giảm 10,9 điểm, tương ứng giảm 0,7% xuống mức 1.474,1 đơn vị và là mã giao dịch sôi động nhất, đạt 198.646 đơn vị.

Trong phiên đầu tuần hôm nay, động thái của khối ngoại tiếp tục gây sự chú ý trên thị trường khi mà khối lượng bán ra ít nhất gấp đôi số lượng mua vào. Xu thế bán ròng của khối này không chỉ làm chỉ số Vn-Index, HNX-Index, UPCoM-Index cùng giảm điểm mà cũng làm tan vỡ kỳ vọng Vn-Index lập mốc 1400 điểm từ lâu nay của nhiều nhà đầu tư nội.

Số liệu thống kê cho thấy, tính chung trên toàn thị trường trong phiên 21/6, khối ngoại đã bán ròng 26,87 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 1.114,29 tỷ đồng.

Trong đó, trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào với khối lượng 24,92 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.202,95 tỷ đồng, giảm 52,56% về lượng và hơn 53% về giá trị so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 18/6. Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 51,03 triệu đơn vị với giá trị tương ứng 2.302,7 tỷ đồng, giảm 2,38% về lượng nhưng tăng 3,54% về giá trị so với phiên trước đó.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua vào 857.000 đơn vị với tổng giá trị 31,36 tỷ đồng, tăng 38,94% về lượng và 117,33% về giá trị so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 18/6. Nhưng cũng mạnh tay bán ra 1,9 triệu đơn vị, giá trị 65,08 tỷ đồng, tăng 1,34% về lượng và 40,59% về giá trị so với phiên trước đó.

Sàn UPCoM cũng không khả quan gì mấy khi khối ngoại mua vào 1,03 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 52,34 tỷ đồng nhưng đồng thời cũng bán ra 751.000 đơn vị, giá trị 33,16 tỷ đồng, giảm 67,92% về lượng nhưng tăng 10,35% về giá trị so với phiên trước.

Dù động thái bán ròng của khối ngoại đã làm tan kỳ vọng Vn-Index lập đỉnh mới của nhà đầu tư nội, song vẫn có nhiều ý kiến lạc quan về triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam khi mà VN-Index vẫn được đánh giá ở vùng định giá hấp dẫn so với các thị trường lân cận trong khu vực (như P/E của chỉ số SET của Thái Lan là 29,6 lần, JCI của Indonesia là 29,0 lần và PSEi của Philippines là 26,9 lần).

SSI Research cho rằng, các cổ phiếu chứng khoán của Việt Nam đang giao dịch với P/E và P/B quá khứ tương ứng là 13,9x và 1,6x, thấp hơn khá nhiều so với khu vực. Do đó, cổ phiếu chứng khoán niêm yết Việt Nam có mức giá hấp dẫn và hợp lý để đầu tư dài hạn.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có thể sẽ được hỗ trợ bởi một số thông tin tích cực như: Giải ngân đầu tư công được đẩy nhanh; Các chính sách hỗ trợ thị trường và nền kinh tế của Chính phủ được nghiên cứu ban hành; các ETFs, FTSE, VNM, MSCI công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục...