Thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU: Nhìn từ quy định SPS


Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong đó có rau quả là một trong những mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Cùng với các thị trường khác, Liên minh châu Âu là thị trường tiềm năng xuất khẩu rau quả Việt Nam, tuy nhiên, đây là thị trường khó tính, yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch thực vật (SPS) đặt ra rất cao.

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về sản lượng rau quả, trái cây. Nguồn: Internet.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về sản lượng rau quả, trái cây. Nguồn: Internet.

Tìm hiểu về quy định này và mức độ đáp ứng quy định SPS của rau quả Việt Nam, bài viết đề xuất giải pháp, góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Liên minh châu Âu hiệu quả.

Quy định SPS của EU đối với rau quả nhập khẩu

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường phát triển và khó tính, có các quy định chặt chẽ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hàng rào kỹ thuật được EU dựng lên với các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có rau quả. Theo Luật thực phẩm châu Âu, một mặt hàng thực phẩm được nhập khẩu vào EU được coi là an toàn thì phải tuân thủ các quy định sau: (i) Các quy định có liên quan đến Luật Thực phẩm của EU, (ii) Các điều kiện tương đương do EU đặt ra; (iii) Nếu tồn tại một thỏa thuận riêng giữa EU và nước xuất khẩu, phải tuân theo các quy định trong thỏa thuận đó...

Tiêu chuẩn đối với chất lượng của mặt hàng rau quả được Ủy ban châu Âu (EC) quy định cụ thể tại Quy định (EC) 2200/96. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này chủ yếu phân loại chất lượng và dán nhãn thông tin cho sản phẩm, không áp dụng đối với sản phẩm rau quả tươi chế biến hay chế biến sẵn, chẳng hạn như cà rốt cắt lát đóng gói. Chính vì vậy, để hoàn thiện hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm, ngày 6/11/2007, Hội đồng EU đã ban hành Quy định (EC) 1182/2007 quy định cụ thể về lĩnh vực rau quả. Tiếp đó, sửa đổi một số văn bản hướng dẫn gồm: Hướng dẫn 2001/112/EC liên quan đến các loại nước ép trái cây và một số sản phẩm tương tự dành cho tiêu dùng của con người; Hướng dẫn 2001/113/EC liên quan đến các loại mứt trái cây dành cho tiêu dùng của con người...

Tất cả những loại thực phẩm tiêu thụ ở EU như rau quả tươi, rau quả chế biến sẵn, rượu, ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc, các sản phẩm nguồn gốc động vật và các sản phẩm nguồn gốc thực vật đều phải tuân thủ quy định về giới hạn tồn dư tối đa thuốc trừ sâu (MRLs). Hướng dẫn 79/117/EEC nêu rõ, cấm đưa vào thị trường và sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất có khả năng gây hại cho sức khoẻ người và động vật hoặc gây hại cho môi trường. Nếu EU phát hiện có bất kỳ chất cấm nào trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu huỷ, đồng thời nhà cung cấp hay nước xuất khẩu có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào EU trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền của EU tiến hành điều tra.

EU quy định tất cả các nước muốn xuất khẩu vào các nước thành viên của EU phải có một cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia (NPPA). Tất cả các lô hàng đều phải có một chứng nhận tình trạng sản phẩm rau quả, biện pháp kiểm tra và chữ ký xác nhận của một nhân viên của NPPA không quá 14 ngày phải có trước khi gửi hàng và những chứng nhận không phải ngôn ngữ tiếng Anh phải có bản dịch đi kèm. Các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên sẽ được tiến hành tại cửa khẩu vào EU để khẳng định giá trị pháp lý của thông tin được cung cấp trên chứng nhận. Các lô hàng vi phạm về các quy định tình trạng rau quả có khả năng bị từ chối và tiêu huỷ và nhà xuất khẩu sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu huỷ hàng…

Mức độ đáp ứng quy định SPS của rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU

Tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về sản lượng rau quả, trái cây. Sản phẩm rau quả, trái cây của Việt Nam đã có mặt tại trên 60 quốc gia trên thế giới. Xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2019, ngành Trồng trọt phấn đấu tăng diện tích cây ăn quả lên 1 triệu ha, giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 4,2 tỷ USD.

Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ với EU vào ngày 20/10/1990. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và EU đã có nhiều bước phát triển mới trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, được hoàn tất đàm phán vào ngày 1/12/2015 đã mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Theo khảo sát, mặc dù là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu, chiếm khoảng 50% nhập khẩu rau quả thế giới, nhưng lượng rau quả nhập khẩu của EU từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU. Trong số các nước EU, thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam chủ yếu là: Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Italia và Thụy Sĩ. Trong nhóm rau quả tươi xuất khẩu sang khu vực EU thì trái cây luôn đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là dứa, thanh long, cơm dừa, chôm chôm, xoài.

Mức độ đáp ứng quy định SPS của rau quả Việt Nam

Tuy có nhiều lợi thế về tiềm năng trong sản xuất và xuất khẩu rau quả nhưng thời gian gần đây, Việt Nam liên tục nhận được cảnh báo về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ EU. Điển hình như, giữa năm 2011, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng EC đã gửi thông báo về việc có 50 trong tổng số hơn 60 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này không đạt chất lượng, rau quả bị nhiễm sâu đục quả, sâu đục lá… Giữa tháng 3/2012, phía EU lại phát hiện hai sản phẩm rau xanh nhập khẩu từ Việt Nam có sâu đục lá. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) buộc phải thông báo ngừng cho phép xuất khẩu năm mặt hàng rau sang EU. 

Thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU: Nhìn từ quy định SPS - Ảnh 1

Tương tự, trong năm 2014, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của EC thông báo liên tiếp về 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện có vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng trên cây húng quế và mướp đắng. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phải ra quyết định tạm dừng cấp phép kiểm dịch thực vật đối với một số mặt hàng rau thơm, rau gia vị xuất khẩu sang EU đến ngày 1/2/2015. Hay như trong năm 2016, EU đã tăng tần suất kiểm tra mặt hàng Thanh Long của Việt Nam lên 20%. Đối với một số mặt hàng rau gia vị, tần suất kiểm tra được tăng lên 50%. Nguyên nhân được phía EU đưa ra là do phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trên sản phẩm… Đây là thực tế đáng lo ngại, tác động rất lớn đến việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.

Một số yếu tố tác động trong thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU

Thuận lợi

- Việt Nam có nhiều mặt hàng rau quả nhiệt đới đặc trưng, có hương vị ngon vượt trội so với rau quả từ các thị trường khác, ví dụ như chuối, thanh long, chôm chôm…

- Các mặt hàng rau quả đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng EU.

- Nhu cầu tiêu thụ rau quả của EU trong xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Hạn chế

- Áp lực cạnh tranh từ hàng rau quả của các nước khác ngày càng lớn, do các nước này đã đi trước và thành công trong việc thúc đẩy sản xuất rau quả hữu cơ, rau quả an toàn.

- Hệ thống sản xuất của Việt Nam còn manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra. Các hộ chế biến rau quả đa phần là nhỏ lẻ, phân tán, không theo quy hoạch nên quản lý  và đầu tư phát triển hạ tầng khó khăn...

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về sản lượng rau quả, trái cây. Sản phẩm rau quả, trái cây của Việt Nam đã có mặt tại trên 60 quốc gia trên thế giới. Năm 2019, ngành Trồng trọt phấn đấu tăng diện tích cây ăn quả lên 1 triệu ha, giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 4,2 tỷ USD.

- Chất lượng sản phẩm thấp và không đồng đều, doanh nghiệp thiếu liên kết. Nông dân chưa được hướng dẫn kỹ các biện pháp xử lý trong trồng trọt rau quả. Khu vực trồng rau quả rải rác, phân tán, khó xử lý cho ra hoa đồng loạt, màu sắc chưa phong phú... nên thu hoạch chưa đồng loạt, sản phẩm không đồng đều, số lượng ít, gây khó khăn cho việc chế biến, xuất khẩu.

- Một bộ phận doanh nghiệp còn thiếu chủ động và trung thực trong quá trình thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng và vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch thực vật...

- Những khó khăn khác như hạn chế về vốn, công nghệ, năng lực nhân sự và cả nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu cũng là nguyên nhân khiến vẫn còn những lô hàng không đạt tiêu chuẩn, bị trả lại…

Một số đề xuất, khuyến nghị

Mặc dù, trong thời gian qua, các loại rau gia vị bị EU cảnh báo nhiều lần chiếm kim ngạch xuất khẩu không lớn trong tổng số kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung sang EU, tuy nhiên nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, về lâu dài sẽ làm giảm uy tín, tạo ấn tượng xấu đối với sản phẩm rau quả xuất khẩu không chỉ ở thị trường EU mà cả các thị trường khác. Để đáp ứng các quy định SPS, thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU, trước mắt cần triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu: Muốn đảm bảo sự phát triển bền vững và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, ngành rau quả cần chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu. Muốn vậy, rau quả phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Để đạt được mục tiêu, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước, trong đó doanh nghiệp xuất khẩu đóng vai trò mấu chốt, tiên phong.

Thứ hai, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý sau thu hoạch: Muốn làm tốt khâu này, chi phí bỏ ra tương đối lớn, do vậy, về lâu dài, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ chính quyền địa phương về cả chủ trương lẫn tài chính.

Thứ ba, tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chặt và kiểm tra 100% lô hàng và ưu tiên cho những vùng sản xuất rau quả đạt VietGap, GlobalGap. Các bộ, ngành chức năng cần phối hợp xây dựng và thực thi các biện pháp giám sát an toàn thực phẩm rau củ, nhằm đảm bảo tất cả các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân khi xuất khẩu rau, quả phải đăng ký vùng trồng, có mã số từ sản xuất đến chế biến, đóng gói và xử lý đầu ra để có thể truy xuất tới cùng nguồn gốc sản phẩm; từ đó đưa ra các chế tài đủ mạnh đối với những trường hợp không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm trong xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến uy tín và quyền xuất khẩu vào các thị trường của hàng rau quả Việt Nam.

Thứ tư, sử dụng tốt các quyền hạn và chức năng của điểm hỏi đáp theo hiệp định SPS để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu…     

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công thương (2017), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016;
  2. Cục Xúc tiến thương mại (2016), Báo cáo thị trường rau quả EU;
  3. Dự án Mutrap (2009), Báo cáo vượt các rào cản SPS để thúc đẩy xuất khẩu sang EC;
  4. Đặng Hoàng Linh, Đỗ Thị Nhân Thiên (2013), Tác động của các rào cản thương mại đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU giai đoạn 2007 - 2013, Báo Nông thôn;
  5. Pascal Liu và cộng sự (2007), Hướng dẫn thực hành cho người sản xuất và xuất khẩu ở châu Á: Các quy định, tiêu chuẩn và chứng nhận đối với nông sản xuất khẩu.