Kinh tế Việt Nam giảm nhẹ nhưng ổn định
Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương (tháng 10/2016). Báo cáo cho biết, tăng trưởng ở các nước đang phát triển trong khu vực được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì trong 3 năm tới với mức 5,8% trong năm 2016 và 5,7% trong năm 2017-2018. Tuy nhiên, các nước vẫn đối mặt với rủi ro tăng trưởng đáng kể và cần phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu yếu kém về tài chính và tài khóa.
Kinh tế Việt Nam giảm nhẹ nhưng ổn định
Riêng đối với Việt Nam, trong 3 quý đầu năm 2016 tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm. Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể.
Theo WB, tỉ lệ giảm nghèo của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm xuống nhưng sản xuất nông nghiệp sụt giảm đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn. “Sinh kế các hộ gia đình dựa vào nông nghiệp đặc biệt bị ảnh hưởng. Viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khóa và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn” – Báo cáo chỉ rõ.
Cũng theo Báo cáo này, tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị suy giảm trong năm nay do bị hạn nặng nhưng sẽ tăng trở lại mức 6,3% năm 2017.
Thử thách các nước trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương
Báo cáo cho hay, Trung Quốc sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi dần sang mô hình tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn, từ 6,7% năm nay xuống còn 6,5% năm 2017 và 6,3% năm 2018.
Tại các nền kinh tế lớn khác, Philippines có viễn cảnh sáng sủa nhất. Tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên mức 6,4% trong năm nay. Tại Indonesia, tốc độ tăng trưởng sẽ tăng dần từ 4,5% năm 2015 lên 5,5% năm 2018 nhờ tăng đầu tư công và thành công trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư và tăng thu nhập.
Nhưng Malaysia sẽ giảm mức tăng trưởng xuống còn 4,2% trong năm 2016 từ mức 5,0% năm ngoái do mức cầu về dầu lửa và hàng chế tạo giảm trên quy mô toàn cầu.
“Viễn cảnh tăng trưởng các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương vẫn tích cực mặc dù tăng trưởng toàn cầu suy giảm nhưng được bù lại bởi tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng mạnh” bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương nói.
Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Khu vực Đông Á Thái Bình Dương, WB nói rằng, mặc dù viễn cảnh khả quan nhưng các nước trong khu vực vẫn phải đối mặt với các rủi ro đáng kể.
Thắt chặt đột ngột thị trường tài chính toàn cầu, tăng trưởng thế giới tiếp tục suy giảm, hoặc tăng trưởng Trung Quốc giảm tốc nhanh hơn dự đoán sẽ đều đặt các nước trong khu vực trước thử thách.