Bao giờ kinh tế thế giới thật sự hồi phục?

Theo baoquocte.vn

Có thể là vào năm 2017, nhưng cũng khó có thể nói trước điều gì khi kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi một cách thất thường, trước đầy rẫy những nguy cơ thường xuyên rình rập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố tại Washington có nêu: “Tăng trưởng quá yếu từ rất lâu tại nhiều quốc gia cho thấy nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi kém mạnh mẽ, không bền vững và thiếu cân bằng”. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới sau khi đạt 3,2% năm 2015 sẽ giảm xuống còn 3,1% trong năm 2016, trước khi tăng trở lại mức 3,4% vào năm 2017.

Nhiều nguy cơ đe dọa thế giới

Nhìn nhận chung về tình hình kinh tế thế giới, chuyên gia kinh tế trưởng IMF Maurice Obstfeld cho rằng, xu hướng bảo hộ trên thế giới ngày càng tăng trong khi hội nhập kinh tế có dấu hiệu chững lại, đặc biệt sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu (Brexit) và sức cạnh tranh của tỷ phú Donald Trump tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Bởi vậy, thời gian tới, các ẩn số này hoàn toàn có thể thay đổi cục diện chung. Ngoài ra, khả năng thay đổi lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng là vấn đề có thể tạo nên những biến động không hề nhỏ.

Trong báo cáo, IMF cũng liệt kê hàng loạt nguy cơ có tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu như: hệ quả của Brexit, nợ của Trung Quốc, hạn hán tại Châu Phi, khủng bố gia tăng, xung đột tại Trung Đông, dịch bệnh virus Zika... IMF cho rằng, các nguy cơ này sẽ ngày càng phức tạp và khó lường.

Đặc biệt, trong báo cáo Giám sát tài chính mà IMF vừa công bố còn cho thấy, thế giới đang "bơi trong biển nợ” kỷ lục 152.000 tỷ USD tính đến cuối năm 2015. Như vậy, nợ trên toàn cầu, bao gồm cả nợ công và tư đã lên đến 225% GDP thế giới vào năm 2015, so với mức 200% GDP vào năm 2002.

Theo IMF, khoảng 2/3 tổng số nợ của năm ngoái (khoảng 100.000 tỷ USD) là nằm trong khu vực tư. Giám đốc phụ trách các vấn đề tài chính của IMF - Vitor Gaspar phân tích rằng, nợ quá lớn trong khu vực tư nhân là một bất lợi lớn cho đà hồi phục của kinh tế toàn cầu và là một rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Vì nợ tăng mạnh trong lĩnh vực này thường gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính.

Báo cáo của IMF cũng nêu bật tình trạng yếu kém ở nhiều ngân hàng, quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế chậm và lãi suất siêu thấp, khiến biên lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất. Trong đó, IMF đặc biệt lo ngại về sự yếu kém của các ngân hàng châu Âu sẽ là mối đe dọa đối với hệ thống tài chính toàn cầu, khi biên lợi nhuận thấp và số nợ xấu đã ở mức nguy hiểm. 

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, IMF kêu gọi tất cả các quốc gia cùng hành động thúc đẩy chi tiêu ngân sách, cải cách cơ cấu và hợp tác đa phương. IMF cũng đặc biệt lưu ý không được đóng cửa biên giới, quay lưng lại với thương mại tự do, bằng cách làm cho tất cả mọi người đều được hưởng các lợi ích của toàn cầu hóa. Nếu không, các phong trào chính trị chống toàn cầu hóa sẽ “bóp nghẹt” kinh tế thế giới.

Các nền kinh tế phát triển lại hụt hơi

Lo lắng về những vết sẹo khủng hoảng vẫn còn hằn sâu tại các nền kinh tế phát triển, IMF cho rằng, tại những nước này, nhu cầu và đầu tư đều đang yếu kém, thêm vào đó là sự già hóa về dân số và sản xuất tăng trưởng yếu. Với nền kinh tế hiện đang được cho là nhiều triển vọng nhất – Mỹ, IMF vẫn tỏ ra khá thận trọng khi hạ dự báo tăng trưởng GDP các năm 2016 và 2017 xuống lần lượt 1,6% và 2,2% (giảm 0,6 và 0,3 điểm phần  trăm so với dự báo hồi tháng 7/2016).

Tăng trưởng của khu vực đồng Euro cũng không được IMF đánh giá cao đạt 1,7% năm 2016, nhưng lại có khả năng tụt xuống  1,5% năm 2017. Một số quốc gia hàng đầu khu vực này cũng đã bị đánh tụt dự báo tăng trưởng. GDP của Đức sẽ giảm từ 1,7% (năm 2016) xuống 1,4% (năm 2017), GDP của Pháp ở dưới mức trung bình, chỉ 1,3% cho cả hai năm 2016 và 2017. Năm 2016 tăng trưởng của nước Anh đã được IMF dự báo tăng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 1,8%, nhưng lại hạ dự báo cho năm 2017 xuống chỉ còn 1,1% do Brexit.

Một bất ngờ đến với Eurozone là sự tăng trưởng trở lại của Hy Lạp, theo đó, GDP nước này có thể đạt tăng trưởng 2,8% vào năm 2017. Trong khi, Tây Ban Nha đạt tới 3,1%, tăng thêm 0,5 điểm so với dự báo hồi tháng 7/2017.

Nhóm mới nổi tăng trưởng “phập phù”

Nhận xét về các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, IMF cho rằng tăng trưởng của khu vực này đã được cải thiện đôi chút. Sau 5 năm tăng trưởng chậm chạp, nhóm các nước này sẽ tăng tốc, đạt 4,2% năm 2016. Tuy nhiên, IMF nhấn mạnh, triển vọng của các nước này không đồng đều và nhìn chung vẫn ảm đạm hơn trước đây.

Brazil và Nga tiến sát tới việc thoát khỏi suy thoái. GDP của Trung Quốc sẽ đạt 6,6% năm 2016 và 6,2% năm 2017. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không còn đáng ngại, nhưng sự phụ thuộc quá lớn vào tín dụng của Trung Quốc (cả nợ công và tư gần đạt ngưỡng 250% GDP), đã khiến IMF phải lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo nước này cần khẩn trương tiến hành các cải cách trọng yếu.

Bao giờ kinh tế thế giới thật sự hồi phục? - Ảnh 1

IMF cho rằng nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi kém mạnh mẽ, không bền vững và thiếu cân bằng. (Nguồn: IMF)

Châu Á được IMF dự báo tăng trưởng khá mạnh với sự dẫn đầu ấn tượng của Ấn Độ với GDP dự kiến đạt tới 7,6%. Còn nền kinh tế thứ ba thế giới - Nhật Bản duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khoảng 0,5% đã là một thành công.

Trong khi đó, tại khu vực châu Phi và Nam sa mạc Sahara, các nước phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu như Nigeria, Nam Phi, Mozambique… đều đang phải đối mặt với bối cảnh kinh tế đầy thách thức do bị ảnh hưởng nặng nề từ sự ảm đạm chung của kinh tế thế giới. Xuất khẩu suy yếu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và nguồn tài trợ vào các nước này giảm mạnh, nợ nần và lạm phát đều khá nghiêm trọng. May thay, một số nước khác ít phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu hơn như Bờ Biển Ngà, Ethiopia, Kenya và Senegal… đạt tăng trưởng cao, vào khoảng hơn 5%.

Kinh tế Khu vực Mỹ Latin và Caribbean năm 2016 được dự đoán tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục sụt giảm xuống mức -0,6%, nhưng sẽ tăng trở lại vào năm 2017 lên khoảng 1,6%.