Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là một điều bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, những chỉ số kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm qua phần nào cho thấy nền kinh tế tiếp tục phục hồi bất chấp những "cơn gió ngược" bên ngoài.
Trong bài viết được đăng tải trên “Diễn đàn Đông Á”, Giáo sư Suiwah Leung, chuyên gia kinh tế Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định việc nền kinh tế toàn cầu phục hồi trên diện rộng trong năm 2017 đã hỗ trợ cho Việt Nam.
Trong khi tốc độ tăng trưởng đạt 5,1% trong nửa đầu năm 2017, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Việt Nam đã đạt gần 6,8%, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng nhu cầu, sản xuất và xuất khẩu trong nước. Trong suốt năm qua, tỷ lệ lạm phát ở mức vừa phải 3%, trong đó tỷ lệ lạm phát lõi là 1,3%. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên 4,25%. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm lên 20-21%, và tăng trưởng tín dụng thực tế vẫn duy trì ở mức cao 18,5%.
Tỷ giá hối đoái trên danh nghĩa vẫn tương đối ổn định với một sự mất giá nhỏ khoảng 1,4%. Điều này giúp ngăn chặn tỷ giá hối đoái thực tế liên tục tăng và nâng cao tính cạnh tranh cho các ngành nội địa.
Tuy nhiên, tác giả cũng nhận định về các rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Trong 5 năm qua, thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã vượt quá 6% GDP mỗi năm. Kết quả, nợ khu vực công đã lên đến gần mức giới hạn 65% GDP do Quốc hội đưa ra. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 4% GDP trong năm 2017, đạt được chủ yếu thông qua cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, tác giả cho rằng đây có thể là một chiến lược thiếu bền vững trong trung hạn đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Các rủi ro trung hạn khác đối với nền kinh tế Việt Nam bao gồm sự mong manh của hệ thống ngân hàng: Các vấn đề như ngân hàng mỏng vốn và nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Tình hình tài chính eo hẹp có nghĩa chính phủ phải chính thức tuyên bố rằng sẽ không có vốn hóa ngân hàng thông qua các biện pháp ngân sách. Giải quyết nợ xấu trong tương lai sẽ phải xuất phát từ việc tiếp tục cải thiện điều kiện kinh doanh trong cả phần của khách hàng vay ngân hàng (doanh nghiệp nhà nước và công ty bất động sản lớn) và nền kinh tế.
Ngoài ra, tình hình bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên cũng đặt ra một nguy cơ do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào đầu tư của Hàn Quốc, cũng như thương mại với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Kinh tế Việt Nam năm 2017 tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi và được trợ giúp từ sự cải thiện các điều kiện kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tác giả khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi các cải cách cơ cấu để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng năng suất.