Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

TS. Phạm Thị Lương Diệu, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai phụ thuộc một phần rất lớn ở khả năng tăng cường hơn nữa mối liên kết vào chuỗi giá trị toàn cầu và tối đa hóa lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một phần quan trọng của quá trình này.

Theo ước tính, hiện chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng mới chỉ cung cấp các phụ tùng thay thế, chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính. Nguồn: internet
Theo ước tính, hiện chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng mới chỉ cung cấp các phụ tùng thay thế, chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính. Nguồn: internet

Một số hạn chế về năng lực cạnh tranh

Kể từ năm 1986, với đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó thừa nhận sự tồn tại và phát triển của kinh tế tư nhân. Những thành công trong sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có việc đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế này. Tuy nhiên, về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, nhất là vấn đề năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu còn một số vấn đề cần được lưu ý như sau:

Việt Nam đã thành công trong việc phát triển các mối liên kết xuôi trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng mối liên kết ngược lại kém phát triển. Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang lắp ráp, sản xuất những sản phẩm tương đối cao cấp cho thị trường quốc tế thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước vẫn hướng về thị trường nội địa hoặc chỉ xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Trên thực tế, Việt Nam nhập khẩu khoảng 90% giá trị xuất khẩu và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu(1).

Tập trung gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, bỏ lỡ cơ hội tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp đang hoạt động, vì thế chưa tận dụng được cơ hội của thương mại từ chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện tại, trong số gần 477.808 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam (số liệu tính đến ngày 31/12/2016), doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 3%, còn lại 97% là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trong số đó gần 60% số doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ. Do quy mô nhỏ nên rất nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc di chuyển lên chuỗi giá trị nên đã tạo ra hai tầng doanh nghiệp hoạt động tách biệt (doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI). Nói cách khác, do thiếu vắng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nên chuỗi cung ứng ở Việt Nam đã bị phá vỡ và phân khúc. Không giống Trung Quốc hay Ấn Độ, thị trường nội địa của Việt Nam chưa đủ lớn để hấp dẫn đầu tư, vì thế nên đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm trung tâm sản xuất cho cả khu vực, bên cạnh đó, cần có các doanh nghiệp mạnh trong ngành công nghiệp hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư.

Sự tham gia trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu của Học viện Ngân hàng phát triển châu Á (ADBI) cho thấy, chỉ có 36% số doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp) so với con số 60% tại những nền kinh tế phát triển hơn, như Ma-lai-xi-a, Thái Lan; 21% số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Ma-lai-xi-a. Điều này cho thấy, chuỗi cung ứng ở các nền kinh tế Thái Lan, Ma-lai-xi-a ít bị phân tán và DNNVV có nhiều khả năng được hưởng lợi hơn từ hiệu ứng lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.

Nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém

Các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả. Khu vực tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực; hệ thống pháp luật về hợp đồng, thực thi hợp đồng, giao dịch, cơ chế giải quyết tranh chấp và rút khỏi thị trường chưa rõ ràng và hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn dàn trải, chưa mang lại hiệu quả tương xứng.

Vai trò của các cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh rất hạn chế. Trên thế giới, phần lớn các cụm doanh nghiệp được hình thành từ quan hệ tự nhiên trong chuỗi cung ứng phát triển thành các cụm công nghiệp. Điều này giúp các doanh nghiệp nhỏ mở rộng quy mô, kết nối trực tiếp với thị trường công nghiệp, kết cấu hạ tầng về logistics để xuất khẩu và do vậy chi phí đầu vào được tiết kiệm một cách tối đa. Các dịch vụ ngân hàng, đào tạo, hỗ trợ kinh doanh cũng thường sẵn sàng để phục vụ tại cụm công nghiệp tạo nên một “tổ hợp sản xuất” khai thác lợi thế cạnh tranh ở địa phương. Trong khi đó, ở Việt Nam các cụm công nghiệp thực chất chỉ là khu công nghiệp với mục tiêu chính là bảo đảm kết cấu hạ tầng cho các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI, do vậy các DNNVV phải tốn rất nhiều công sức, chi phí, làm đầy đủ các thủ tục tiếp cận các nguồn lực (vốn, đất đai, nhà xưởng, công nghệ, điện, nước...) như các doanh nghiệp lớn và đương nhiên sẽ khó có thể tập trung vào phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Các doanh nghiệp chưa tạo được độ tin cậy cao đối với các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp FDI. Sự tin tưởng cao giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ khuyến khích các hoạt động tích cực giữa các doanh nghiệp, như chia sẻ thông tin, kiến thức về kỹ thuật, hợp tác sản xuất và tiếp thị.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhân lực cấp cao - giám đốc điều hành cao cấp tại các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh một cách bài bản, gắn với thực tế sản xuất - kinh doanh. Hầu hết các giám đốc doanh nghiệp điều hành công việc kinh doanh theo sự thuận tiện và điều này đã hạn chế doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất.

Năng lực xây dựng chính sách và thực thi chính sách phát triển doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là ở các địa phương chưa cao, chưa theo kịp sự vận động của quy luật thị trường, thiếu hiểu biết về chuỗi cung ứng, tạo ra một số cản trở đối với các doanh nghiệp.

Điều đặc biệt quan ngại hiện nay là trình độ học vấn và đào tạo kỹ thuật, chuyên môn của lực lượng lao động còn thấp và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động nội bộ tại doanh nghiệp, hệ quả là doanh nghiệp khó có thể bứt phá được.

Trình độ công nghệ thấp. Nhìn chung, mức độ sử dụng công nghệ của đa số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn thấp. Tỷ trọng hàng hóa công nghệ cao đang tăng, nhưng với tốc độ chậm. Nhìn chung, phần lớn hàng xuất khẩu gần như không sử dụng chút công nghệ nào.

Tiếp cận nguồn vốn tín dụng dài hạn khó khăn và chi phí cao. Tiếp cận vốn đầu tư và vốn cố định luôn là một cản trở đối với DNNVV. Để tham gia mạng lưới sản xuất, các DNNVV thường phải tiếp cận các nguồn phi chính thức với lãi suất cao hơn và trở nên không có lợi thế về chi phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nguồn tài chính chủ yếu từ các ngân hàng. Hoạt động của các công ty tài chính, các quỹ đầu tư khá hạn chế và ít được doanh nghiệp chú ý.

Những ưu tiên hành động chính sách

Thứ nhất, đổi mới thể chế, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân

Nghiên cứu ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV để thống nhất khuôn khổ pháp lý về chính sách phát triển DNNVV bằng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu không chỉ chú trọng tăng nhanh số lượng, quy mô mà còn tập trung hơn về cơ cấu hợp lý, chất lượng tăng trưởng bền vững, năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh doanh phi chính thức chuyển thành pháp nhân doanh nghiệp và trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn thông qua mở rộng thị trường, hỗ trợ các DNNVV tham gia chuỗi cung ứng.

Ban hành nghị định về công nghiệp hỗ trợ để có những giải pháp có tính đột phá ở một số ngành, sản phẩm trọng điểm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, tập trung đầu tư về mặt nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ và tài chính trong các chuỗi giá trị các sản phẩm ngành công nghiệp và nông nghiệp; có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn hỗ trợ các DNNVV tham gia mạng lưới vệ tinh công nghiệp hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hướng dẫn, đào tạo...; khuyến khích phát triển các hoạt động tư vấn chắp nối kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng.

Nghiên cứu ban hành nghị định riêng về hiệp hội doanh nghiệp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI tham gia tích cực vào hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, tăng cường chức năng đại diện doanh nghiệp của các hiệp hội doanh nghiệp, hoạt động tham vấn chính sách, nhất là chính sách phát triển vùng; nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc giám sát chất lượng và xác nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hội viên; khuyến khích chia sẻ chi phí để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, phát triển thương hiệu chung và tiếp nhận các dịch vụ công từ khu vực nhà nước, khuyến khích phát triển các hiệp hội doanh nghiệp tham gia các hiệp hội ngành, nghề trong khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết cấu hạ tầng dành cho DNNVV và các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Hình thành một số cụm công - nông nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở cấu trúc lại một số khu cụm công nghiệp có sẵn, bảo đảm sự gắn kết giữa các doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm. Tạo điều kiện để chính các doanh nhân là người tạo ra các cụm liên kết.

Tổ chức cung cấp một số dịch vụ phát triển kinh doanh trong cụm công nghiệp phục vụ kết nối trực tiếp với thị trường công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng về logistics để xuất khẩu, dịch vụ ngân hàng. Các cụm công nghiệp tạo nên một tổ hợp sản xuất để khai thác lợi thế cạnh tranh ở địa phương.

Hình thành một số tổ hợp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp chế biến thực phẩm là trung tâm của mối liên kết với “nhà nông”, “nhà khoa học”. Phát triển hình thái khu công nghiệp “ăn liền”, đơn giản, có diện tích phù hợp, nhờ đó các DNNVV có thể tiếp cận dễ dàng với các điều kiện kết cấu hạ tầng phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả.

Thứ ba, xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực

Thành lập Học viện Đào tạo giám đốc. Việc thành lập Học viện Đào tạo giám đốc (IOD) có thể giúp các doanh nhân Việt Nam có đủ khả năng lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Mô hình này đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, bắt đầu là ở Anh và hiện khá phổ biến ở các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tăng cường đội ngũ chuyên gia hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các nhóm chuyên gia tình nguyện từ nước ngoài, kết nối với các Việt kiều; cử các kỹ sư, chuyên gia của Việt Nam sang tham gia làm việc và học hỏi kinh nghiệm của các nước.

Nâng cao kỹ năng lao động để tăng số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề thông qua các giải pháp đã được đưa ra tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VPDF) năm 2013.

Nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước trong thiết kế chính sách, quy hoạch và thực hiện phát triển kinh tế vùng và thực thi chính sách. Gắn quy hoạch phát triển vùng, địa phương với chiến lược phát triển của doanh nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế cạnh tranh của địa phương. Đặc biệt chú ý tới việc kết nối kết cấu hạ tầng thương mại theo chuỗi cung ứng: cảng biển, kho bãi, vận chuyển, địa điểm sản xuất, vùng nguyên liệu,... nhằm giảm thiểu chi phí, hạn chế hư hỏng, lãng phí nguyên, nhiên liệu và thành phẩm, nhất là đối với mặt hàng, sản phẩm nông, thủy sản.

Thứ tư, hỗ trợ tài chính cho khu vực tư nhân

Tăng cường hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, thông qua đó tạo nguồn vốn dài hạn, có lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và tạo sự gắn kết giữa các ngân hàng và doanh nghiệp. Đánh giá lại hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, cải tổ một cách căn bản phương thức hoạt động của hệ thống quỹ này.

Có chính sách khuyến khích các ngân hàng cung cấp các khoản vay dài hạn cho các doanh nghiệp. Tăng cường năng lực thẩm định cho các cán bộ tín dụng thông qua sự phối hợp giữa các cơ quan tín dụng, hiệp hội ngân hàng, các DNNVV sản xuất công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp FDI.

Có chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong các vườn ươm doanh nghiệp phù hợp theo từng giai đoạn: khởi sự, tăng trưởng, phát triển thành doanh nghiệp lớn.

Xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan để đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, đánh giá rủi ro cho vay đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là đối với DNNVV chưa có lịch sử tiếp cận tín dụng, thông qua đó tăng cường các khoản cho vay tín chấp.

Thúc đẩy mạnh hoạt động của các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm; thúc đẩy hoạt động mua bán, sáp nhập, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn.

Thứ năm, lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh, tận dụng hiệu ứng lan tỏa của FDI để ưu tiên phát triển, tập trung phát triển một số doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chỉ thị số 32/2012/CT-TTg, ngày 07/12/2012, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả đầu tư”, trong đó có nhiệm vụ xây dựng “Đề án ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2013 - 2020”. Danh mục ưu tiên phát triển có thể là: kinh doanh nông nghiệp tổng hợp (theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất - nuôi trồng, chế biến đến phân phối), dệt may, điện tử, chế biến gỗ, dược, công nghiệp phần mềm, du lịch...

Thực hiện đánh giá chính sách phát triển một số ngành nêu trên, phát hiện những cản trở chính để có chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp của các ngành này tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Xây dựng thí điểm một số khu, cụm công nghiệp chuyên ngành và các trung tâm nghiên cứu đầu ngành để trợ giúp kỹ thuật - công nghệ cho các doanh nghiệp.

Phát triển một số thương hiệu quốc gia cho một số sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh ở một số ngành như đã nêu trên. Để làm việc này, Nhà nước cần có đầu tư cho việc nghiên cứu thị trường quốc tế về một số sản phẩm tiềm năng của Việt Nam, để trên cơ sở đó, doanh nghiệp Việt Nam (một nhóm doanh nghiệp trong một ngành) tập trung cải thiện chuỗi giá trị theo nhu cầu thị trường và xuất khẩu.

Tăng cường năng lực cho Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam với mục tiêu, chương trình hành động cụ thể để tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng một số thương hiệu lớn. Xây dựng một số chính sách khuyến khích tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp có quy mô vừa đổi mới mô hình kinh doanh mới có khả năng phát huy được hiệu ứng lan tỏa của FDI. Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, từng bước nâng cấp sản phẩm Việt Nam, trở thành nhà cung ứng cấp 1 và nhà thầu chính.

---------------------------------------------------------------------------------

(1) Báo cáo của Chính phủ tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam 2014: Cải cách thể chế kinh tế, tăng trưởng khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Hà Nội, tr. 30