Kinh tế Vĩnh Phúc "vươn mình" mạnh mẽ sau 25 năm tái lập tỉnh
Sau 25 năm tái lập Tỉnh (01/01/1997-01/01/2022), tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc không ngừng "vươn mình" mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ; luôn nằm trong TOP các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước. Chặng đường 25 năm tái lập và phát triển đã khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc trong vùng và cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao
Tháng 11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Khi tái lập, Tỉnh có diện tích 1.370,73 km2, dân số 1,1 triệu người; có 6 huyện, thị (thị xã Vĩnh Yên, các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Mê Linh) với 148 xã, phường, thị trấn, trong đó có 01 huyện và 39 xã miền núi.
Đến cuối năm 2003, thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo được tái lập; năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào thủ đô Hà Nội; năm 2009, huyện Lập Thạch được chia tách thành 2 huyện: Lập Thạch và Sông Lô. Hiện Vĩnh Phúc có 2 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và 7 huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo với 136 xã, phường, thị trấn.
Sau 25 năm tái lập, kinh tế Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997-2021, tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc tăng 13,42%/năm; chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động). Quy mô kinh tế ngày càng lớn, đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (1,96 nghìn tỷ đồng), tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của Tỉnh trong vùng và cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, năm 2020, đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh/thành phố trong cả nước. Đến năm 2021, GRDP đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 (2,18 triệu đồng/người).
Cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2021, chiếm đến 63,74% tăng cao so với năm 1997 là 18,4%).
Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm, trong đó: Khu vực dịch vụ giảm từ 36,48% năm 1997 xuống 28,43% và khu vực nông, lâm thủy sản giảm từ mức 45,13% năm 1997 xuống còn 7,83% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế năm 2021.
Thu ngân sách luôn vượt mục tiêu đề ra
Cùng với tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương luôn hoàn thành vượt mục tiêu thu ngân sách nhà nước đề ra với nhiều dấu mốc quan trọng, luôn nằm trong TOP các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước.
Năm 1997, thu ngân sách của Tỉnh mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Từ năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương. Năm 2009, thu ngân sách trên địa bàn vượt mốc 10.000 tỷ đồng, năm 2014 vượt mốc 20.000 tỷ đồng và đến năm 2016 vượt mốc 30.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2019, Vĩnh Phúc thu ngân sách đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Năm 2020 và năm 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tổng thu ngân sách của Tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997. Số thu ngân sách tăng cao đã tạo điều kiện tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế và thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.
Một trong những "điểm sáng" khác của Vĩnh Phúc thời gian qua là thu hút đầu tư. Ngay từ khi tái lập, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND Tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là "chìa khóa" quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Với tinh thần đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước trong công tác thu hút đầu tư.
Năm 1997, thời điểm tái lập, Tỉnh có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) thì đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, các quốc gia Châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng. Từ chỗ không có khu công nghiệp khi mới tái lập, đến nay, tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư (có 08 khu công nghiệp đi vào hoạt động).
Các doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh phúc cũng không ngừngc phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997, Tỉnh chỉ có 91 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 57 tỷ đồng thì đến hết năm 2021, toàn Tỉnh có trên 13 nghìn doanh nghiệp, tăng 141 lần so với năm 1997 với vốn đăng ký đạt trên 150 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua, Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá cao về cách làm và kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch đại COVID-19. Là địa phương đầu tiên của Việt Nam ghi nhận ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phòng chống, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, công tác phòng chống dịch ở Vĩnh Phúc đã trở thành mô hình để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, vận dụng. Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã cơ bản khống chế được dịch, bảo vệ “vùng xanh”, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.