Kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang chuyển biến tích cực
Hai tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có những điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 và thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch... nên các ngành, địa phương phải nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới.
Những kết quả tích cực
Nhìn chung, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục triển khai nhiệm vụ, bám sát các giải pháp theo chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang, mặc dù một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tháng 2/2022 có giảm so với cùng kỳ (do tháng 2 phải nghỉ Tết Nguyên đán trong thời gian khá dài).
Tuy nhiên, nếu tính chung 2 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu tăng khá so với cùng kỳ, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 9% so cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt, diện tích cây ăn trái, rau màu, tổng đàn heo, diện tích và sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ và hiện nay đang phát triển tốt; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 10%.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao về số lượng và số vốn đăng ký. Số dự án thu hút đầu tư tăng 36% và số vốn tăng 26% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt trên 22,2% dự toán HĐND tỉnh giao (trong đó, có 6/8 đơn vị cấp huyện thu vượt tiến độ bình quân). Tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 19% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu trực tiếp tăng gần 60% so với cùng kỳ.
Các tổ công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đã chủ động bố trí làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để nắm tình hình triển khai các dự án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Ban hành kịp thời Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Chăm lo Tết Nguyên đán cho Nhân dân đảm bảo an toàn, ý nghĩa... Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được tăng cường, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả; dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng đều giảm so với cùng kỳ. Thực hiện chặt chẽ quy trình các bước tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2022, tổ chức giao nhận quân năm 2022 đảm bảo số lượng, chất lượng, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Tình hình an ninh chính trị đảm bảo an toàn...
Về tình hình xâm nhập mặn, ông Đặng Ngọc Giao - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Bước vào mùa khô, ngành nông nghiệp rất băn khoăn, dự báo năm nay nước ở thượng nguồn thấp hơn cùng kỳ, xâm nhập mặn sẽ cao nhưng diễn biến thời tiết khí hậu năm nay bất thường.
Năm nay, xâm nhập mặn, nồng độ thấp hơn so với cùng kỳ cả triều Biển Đông và triều Biển Tây. Ngành vẫn chỉ đạo quan trắc thường xuyên mỗi ngày 2 lần và liên tục để có cảnh báo. Đầu năm tới giờ triều cường không được cao, chứng tỏ gió Đông Bắc chưa mạnh nhưng không chủ quan những tháng còn lại...
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Ngoài xâm nhập mặn thì vấn đề nóng nhất hiện nay là tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh ghi nhận liên tục tăng. Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thông tin: Trong những ngày gần đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Trong 7 ngày gần đây, trung bình có 185 ca/ngày, ngày cao nhất là 232 ca, ngày thấp nhất là 139 ca. Số trường hợp mắc bệnh tăng ở những nhóm chưa được tiêm vắc-xin, nhất là trẻ dưới 12 tuổi. Số trường hợp nặng, nguy kịch và tử vong thì giảm sâu so với tháng trước.
“Tình hình điều trị F0 tại nhà đang được triển khai thực hiện, các địa phương đang tăng cường, giám sát, quản lý, theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà. Các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc y tế, theo dõi sức khỏe đối với người F0 nhiễm bệnh có hợp tác, chủ động khai báo đã được giám sát chặt chẽ, quản lý, theo dõi đúng quy trình, hướng dẫn của ngành y tế. Tỷ lệ F0 tại nhà chuyển biến phải chuyển tuyến vào cơ sở điều trị rất ít. Hệ thống cơ sở điều trị cho bệnh nhân đã được tổ chức sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình hiện nay, đã giải quyết các bệnh viện dã chiến tầng 1, tầng 2. Riêng tầng 3 (Trung tâm ICU) vẫn giữ vững để điều trị tiếp”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trong đó một bộ phận người dân lơ là, chủ quan, cho rằng tự uống thuốc cũng có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, khi có nhiều ca F0, F1 sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và cuộc sống người dân. Hiện COVID-19 đã xâm nhập vào đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tương đối nhiều. Do đó, mong muốn đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hạn chế tham gia các buổi tiệc, hạn chế tập trung đông người và phải thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương tập trung triển khai quyết liệt và sâu rộng Kế hoạch thực hiện số 01, 02 của Chính phủ; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Kế hoạch phát động phong trào thi đua thu ngân sách năm 2022.
Trong đó, thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn để thông tin rộng rãi đến người dân kịp thời ứng phó. Thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là ở các địa bàn có nguy cơ cháy cao. Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tham mưu UBND tỉnh Hậu Giang xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư không hoàn thành các thủ tục để giao kế hoạch vốn năm 2022; tham mưu UBND tỉnh xử lý nguồn vốn này, mạnh dạn xem xét điều chuyển sang các dự án khác có nhu cầu giải ngân. Rà soát, đôn đốc tiến độ các dự án đã cấp chủ trương đầu tư, đảm bảo các dự án triển khai đúng theo thời gian quy định.
Bên cạnh đó, rà soát đề xuất thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai. Rút ngắn thời gian thẩm định các dự án, đặc biệt là các dự án đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, thời gian từ khi có chủ trương đến khi công nhận chủ đầu tư còn quá dài. Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh, đặc biệt đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Ngành Giáo dục - đào tạo phối hợp với ngành y tế và UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi sát tình hình học sinh trở lại trường học trực tiếp, thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện phương án phòng, chống dịch phù hợp từng địa bàn, đối tượng cụ thể gắn với việc theo dõi, đánh giá quá trình học tập, tạo sự an tâm cho phụ huynh đưa trẻ đến trường.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể giải phóng mặt bằng các dự án năm 2022, trong đó đối với các dự án trọng điểm phải được ban hành kế hoạch riêng, có tiến độ cụ thể từng tháng (dự án Đường tỉnh 925B, Đường tỉnh 926B, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nâng cấp Quốc lộ 1A...).
Riêng UBND huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương ban hành kế hoạch giải phóng mặt bằng tổng thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư đúng tiến độ. Đối với các địa phương có tuyến cao tốc đi qua (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), phải chủ động rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đề xuất điều chỉnh cho phù hợp; chủ động chuẩn bị để giải phóng mặt bằng các dự án này, đảm bảo theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, đến cuối năm 2022 khởi công xây dựng…