Kịp thời hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề
Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện giảng dạy và học tập hiện đại trong các trường dạy nghề sẽ góp phần đào tạo nên đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Hỗ trợ kinh phí nhằm nâng cao chất lượng đào tạo
Để đạt được mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” bình quân mỗi năm phải đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Đây là mục tiêu khá khó khăn trong bối cảnh những năm qua nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác này còn hạn chế.
Thực tế cho thấy, từ năm 2016, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương phải căn cứ vào việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để cân đối, bố trí kinh phí cho các hoạt động phù hợp với tổng số kinh phí được cấp và khả năng hoàn thành các tiêu chí.
Thời gian qua, Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư cho đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nghề cho đối tượng yếu thế. Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có kinh phí gần 26.000 tỷ đồng. Ngoài ra, lao động nông thôn và đối tượng yếu thế còn được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. NSNN cũng được bố trí đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay vốn hộ nghèo.
Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), qua 3 năm thực hiện Dự án “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN)” cho thấy, Dự án đã hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho 181 trường thuộc đối tượng thụ hưởng với kinh phí hơn 1.826 tỷ đồng, chiếm 57% tổng kinh phí đã bố trí cho dự án.
Trong đó, Dự án đã hỗ trợ đầu tư cho 45 trường nghề được lựa chọn ưu tiên đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao (theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ) với số kinh phí là hơn 1.076 tỷ đồng. Cùng với đó, Dự án đã hỗ trợ đầu tư cho 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật với tổng kinh phí là 108 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư cho 27/30 trường chuyên biệt để đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật với tổng kinh phí là 180 tỷ đồng, chiếm 10% kinh phí bố trí cho đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.
Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư cho các trường, Dự án “Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN” cũng hỗ trợ đầu tư cho 104 trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm với số kinh phí là 498 tỷ đồng, chiếm 27% kinh phí bố trí cho đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.
Theo báo cáo của 71/180 trường được thụ hưởng trong giai đoạn 2016 - 2018 thì đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho 179 lượt ngành, nghề trọng điểm các cấp độ (trong đó: cấp độ quốc tế: 44 lượt; khu vực ASEAN: 41 lượt; quốc gia: 94 lượt) với tổng kinh phí giải ngân là 606 tỷ đồng. Trung bình mỗi lượt ngành, nghề đã được đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng. Tính cả năm 2019, tổng số trường được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo thông qua dự án là 263 trường.
Những kết quả trên cho thấy, Dự án “Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN” đã kịp thời hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các trường nghề, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề cho các trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Thêm vào đó, NSNN đầu tư cho GDNN những năm gần đây tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; nhiều địa phương chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN…
Đổi mới phương thức cấp kinh phí, đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, thời gian tới cần tập trung đổi mới phương thức cấp kinh phí và đầu tư ngân sách nhà nước cho GDNN, trong đó chú ý triển khai các giải pháp sau:
Một là, bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho GDNN chiếm tỷ trọng trong khoảng từ 20 - 22% tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và được ưu tiên phân bổ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực giai đoạn trung hạn và hàng năm, được phân bổ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời.
Hai là, các trường dạy nghề được phân bổ sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và phê duyệt dự án đầu tư đảm bảo đúng nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ theo hướng dẫn. Đồng thời, chủ động huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương tập trung đầu tư cho các ngành, nghề trọng điểm của các trường; sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho các ngành, nghề trọng điểm phù hợp với yêu cầu đào tạo thực tế và khả năng huy động các nguồn vốn.
Ba là, hoàn thiện thể chế về cơ chế đấu thầu, đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Bốn là, tiếp tục hỗ trợ đầu tư, sửa chữa các hạng mục công trình nhà xưởng thực hành, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.
Năm là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng nhằm khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư phát triển GDNN.
Theo báo cáo của 71/180 trường được thụ hưởng trong giai đoạn 2016 - 2018 thì đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho 179 lượt ngành, nghề trọng điểm các cấp độ (trong đó: cấp độ quốc tế: 44 lượt; khu vực ASEAN: 41 lượt; quốc gia: 94 lượt) với tổng kinh phí giải ngân là 606 tỷ đồng. Trung bình mỗi lượt ngành, nghề đã được đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng. Tính cả năm 2019, tổng số trường được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo thông qua dự án là 263 trường.