Nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030

Việt Hoàng

Nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của một số quốc gia trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 ban hành theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu hoàn thành các mục tiêu cụ thể nêu tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đồng thời, nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của một số quốc gia trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm thị trường châu Á là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Phillipines, Indonesia; Thị trường Châu Âu là Liên bang Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha; thị trường Châu Mỹ là Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, phấn đấu tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, đến năm 2030 nằm trong nhóm 03 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu môi trường kinh doanh.

Để đạt được ác mục tiêu đã đề ra, Chính phủ định hướng Chiến lược thực hiện 09 giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài là: Triển khai các giải pháp đã ban hành có hiệu quả; Cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đổi mới và nâng cao cạnh tranh về thu hút đầu tư nước ngoài; Phát triển về công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, lan toả; Phát huy các năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh để cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài; Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và vị thế trên trường quốc tế; Hiện đại hóa, đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Trong đó, các giải pháp sẽ tập trung phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế; hỗ trợ tối đa doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính.

Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong những ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, tiến tới sở hữu và làm chủ công nghệ. Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đánh giá, lựa chọn và tiếp nhận công nghệ được chuyển giao từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ và phù hợp với mục tiêu phát triển công nghệ quốc gia trong từng giai đoạn...

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lồng ghép quan điểm, mục tiêu của Chiến lược vào các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương mình. Bên cạnh đó, tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược trong lĩnh vực, phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định kỳ hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ...