Kỳ vọng dòng vốn ngoại mới
Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) dự báo, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là chảy vào các đợt thoái vốn nhà nước, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) quy mô lớn.
Theo thống kê của VFM, trong 10 năm qua, thị trường chứng khoán thường giảm điểm trong tháng 11 và 12. Năm nay, với đà đi lên của chỉ số VN-Index, bứt phá được nhiều điểm giới hạn, ông Steven Mantle, Giám đốc Khối huy động vốn ngoại VFM nhận định, thị trường giai đoạn cuối năm có xác suất tăng nhiều hơn giảm. Nhiều cổ phiếu trên sàn cũng như các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh và ổn định trong 2 năm gần đây, trong khi nhiều thị trường khác trong khu vực như Philipines, Thái Lan có diễn biến trồi sụt. Ông Steven Mantle cho rằng, mặc dù Việt Nam vẫn chưa được tổ chức MSCI đưa vào danh sách theo dõi (watchlist) để nâng hạng lên thị trường mới nổi, nhưng dự báo khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng, bởi tính thanh khoản đang được cải thiện và còn nhiều cơ hội đầu tư.
Thống kê 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1,45 tỷ USD, gồm 790 triệu USD trái phiếu và 660 triệu USD cổ phiếu, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh các cổ phiếu VNM, PLX, VPB, HPG… Gần đây, khối ngoại có động thái bán ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng giá trị bán ròng không lớn.
Kinh tế vĩ mô ổn định là yếu tố cơ bản thu hút các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. GDP quý III tăng 7,4%, cao nhất kể từ năm 2011. Ông Steven Mantle tin rằng, tăng trưởng GDP quý IV có thể đạt mục tiêu đề ra, dù việc giảm lãi suất có thể có tác động nhất định.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong 2 năm qua tại Việt Nam ở mức khá tốt và được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI gia tăng nên tỷ giá không bị áp lực, đồng thời kim ngạch xuất khẩu cao giúp cán cân thương mại ổn định. Riêng về tăng trưởng tín dụng, Chính phủ đã nâng mục tiêu từ 18% lên 21%, khá thông thoáng cho các nhà băng, nhưng VFM cho rằng, các ngân hàng sẽ không quá chạy theo mục tiêu trên.
Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc VFM nhìn nhận, quý đầu năm, GDP tăng thấp không hẳn là bi quan và quý III tăng mạnh cũng không quá lạc quan. Tăng trưởng GDP chỉ là một hệ tham chiếu, nhưng không quá quan trọng.
Quan trọng hơn cả vẫn là sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô như GDP tăng trưởng, lạm phát trong mức kiểm soát, dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân tăng trưởng tốt. Đặc biệt, mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài là rủi ro tỷ giá không cao. Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục là 45 tỷ USD.
Tiếp xúc nhiều nhà đầu tư trong khu vực và cả ở những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, đại diện VFM cho biết, nhà đầu tư ngoại đặc biệt quan tâm tới các đợt IPO lớn sắp tới, nhất là với hình thức dựng sổ (book building).
Gần đây nhất, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư của một doanh nghiệp lớn thuộc “họ” dầu khí sắp IPO, nhân viên thuộc khối ngân hàng đầu tư (IB) của các ngân hàng nước ngoài chiếm quá nửa số người tham dự và hỏi rất nhiều về các tiêu chí để khách hàng của họ có thể tham gia. Theo đó, kỳ vọng dòng vốn mới của nước ngoài sẽ chảy vào thị trường.
Một trong những yếu tố quan trọng để thu hút thêm vốn ngoại vào thị trường chứng khoán là khi kế hoạch nâng hạng từ cận biên lên mới nổi thành hiện thực. Trong tháng 6/2017, Việt Nam không lọt vào danh sách watchlist của MSCI, nhưng khối ngoại vẫn mua ròng. Điểm tích cực là thị trường có thêm nhiều cổ phiếu lớn, thanh khoản cao.
Theo thống kê, hiện trên sàn chứng khoán có 22 cổ phiếu có giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó 9 mã đạt tiêu chí của MSCI dành cho thị trường mới nổi như vốn hóa 1,269 tỷ USD (trong đó vốn hóa tự do chuyển nhượng trên 635 triệu USD), thanh khoản bình quân năm đạt 15% giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng.