Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên:

Kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên

Bảo Thương

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối trình bày Tờ trình trước Quốc hội.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối trình bày Tờ trình trước Quốc hội.

Chiều 06/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nêu rõ, dự thảo Luật gồm 173 điều, được bố cục thành 5 phần, 11 chương.

Đề cập về việc cần thiết xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, dự án Luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Dự án Luật này được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành như: Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng thiếu tính khả thi; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia cũng như vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao...

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, dự thảo luật đã xây dựng chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt. Cụ thể, quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, đồng thời, mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng. Quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng người chưa thành niên. Khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được rút ngắn thời gian xử lý chuyển hướng trước thời hạn.

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Trình bày báo cáo thẩm tra, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với mục đích, yêu cầu về xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật. Việc sửa đổi, bổ sung chế định này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, nhất là thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 28/12/2023 của Bộ Chính trị “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

“Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật về việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng và quy định thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng, để tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên, vì mỗi người chưa thành niên có hoàn cảnh gia đình, nhân thân, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội, mức độ phạm tội và loại tội phạm thực hiện khác nhau”, bà Lê Thị Nga nêu rõ.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, các biện pháp mới được bổ sung như (hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; quản thúc tại gia đình) sẽ ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xử lý chuyển hướng để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục người chưa thành niên.

Về mở rộng một số trường hợp được xử lý chuyển hướng và các trường hợp này đều thuộc trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng sẽ đáp ứng tốt mục tiêu “lấy giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội là mục tiêu chủ yếu trong xử lý người chưa thành niên phạm tội”...