Kỳ vọng tăng trưởng GDP quý III ở mức 2 con số là có cơ sở

Theo Vũ Long/laodong.vn

Nhiều tổ chức kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý III có thể đạt 2 con số. Thậm chí, CTCP Chứng khoán Bảo Việt dự báo ở mức 14%. Con số này có quá “lạc quan”?

Các ngành công nghiệp, dịch vụ tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng GDP năm 2022. Ảnh: Vũ Long
Các ngành công nghiệp, dịch vụ tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng GDP năm 2022. Ảnh: Vũ Long

Cơ sở để tin tưởng tăng trưởng GDP quý III ở mức 2 con số

Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, CTCP Chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam có thể đạt 11%. Các chuyên gia nhận định mức tăng trưởng cao này đến từ nhiều yếu tố. Nguyên nhân đầu tiên là do mức nền thấp trong quý III/2021 khi tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm 6%.

Cũng trong báo cáo vĩ mô mới công bố, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 14% trong quý III/2022, nhờ động lực tăng từ sự hồi phục của tiêu dùng và sản xuất và do mức nền thấp của quý III/2021.

Phân tích về nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng trong quý III và những tháng còn lại của năm 2022, các chuyên gia cũng kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhờ du lịch trong nước tiếp tục phát triển mạnh, nhu cầu trong nước phục hồi nhờ thu nhập của người dân cao hơn và thuế VAT giảm 2% kéo dài đến hết năm 2022 sẽ kích thích mua sắm, đầu tư.

Trao đổi với Lao Động, PGS.,TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) - thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho hay: Các dự báo của tổ chức quốc tế đều có lý, vì quý III/2021 tăng trưởng âm, GDP giảm so với cùng kỳ năm trước nữa (2020 - PV).

“Năm 2022 kinh tế Việt Nam cũng nước ta ở mức bình thường, không tốt quá nhưng so với nền thấp của năm ngoái thì tốc độ tăng trưởng có thể cao đến 2 con số” - ông Phạm Thế Anh nói.

Theo nhận định của ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam nhận định: Tăng trưởng GDP quý III/2022 có thể đạt tới 2 con số nếu thị trường thế giới không quá tiêu cực. Nếu ở mức hiện tại hoặc cải thiện hơn 1 chút thì tăng trưởng quý III có thể đến 2 con số.

“Cơ sở để đưa ra con số tăng trưởng từ 10% trở lên được kỳ vọng vào xuất nhập khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng dần khi ngành du lịch thu hút được du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng” – ông Vũ Tuấn Anh nhận xét.

Đừng quên nền kinh tế đang đối mặt với nhiều “cú sốc”

Tuy nhiên, PGS.,TS. Phạm Thế Anh cũng thẳng thắn chia sẻ: Mức tăng trưởng 2 con số cơ bản do so sánh với cùng kỳ tăng trưởng âm, thực tế nền kinh tế Việt Nam chưa nhiều tín hiệu khởi sắc, trong khi các tín hiệu rủi ro lại hiện hữu.

Thứ nhất, chi phí sản xuất tăng cao trên nền cao không chỉ giá xăng dầu mà còn giá các nguyên vật liệu kể cả trong công nghiệp cũng như nông nghiệp. Trong nông nghiệp giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao; trong công nghiệp thì giá xăng dầu và giá các vật liệu cơ bản khác đều tăng.

Còn nhiều rủi ro khác liên quan đến kinh tế thế giới có thị phần xuất khẩu lớn ở Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật... nếu gặp khó khăn thậm chí rơi vào suy thoái thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể chậm lại, thậm chí giảm. Như vậy có thể thấy rủi ro tăng trưởng trong quý III và quý IV là không nhỏ.

“Trong thời gian vừa qua thị trường chứng khoán sụt giảm rất mạnh phản ánh nền kinh tế đang tương đối rủi ro. Trong khu vực kinh tế, có những ngành phi sản xuất vẫn làm ra những lợi nhuận rất tốt, nhưng có những ngành khó khăn lớn khiến mức độ rủi ro tăng lên.

Bên cạnh đó, chi phí vốn tăng lên khiến giá tăng lên cũng làm hạn chế dòng tiền đầu tư vào chứng khoán khiến thanh khoản sụt giảm” – ông Phạm Thế Anh thông tin.

Về thị trường xuất khẩu, lạm phát đã tác động lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu (EU), Nhật Bản... tác động trở lại, làm giảm doanh số xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), gỗ và lâm sản là nhóm xuất khẩu hàng đầu của ngành nông nghiệp, nhưng tốc độ đang chậm lại do ảnh hưởng của lạm phát từ EU, Mỹ. 

"Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022" - ông Lập nói.

Các con số này cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào.

Không riêng ngành gỗ, mà các ngành dệt may, da giày, điện tử đều đang gặp chung vấn đề giảm cầu bởi lạm phát từ các thị trường lớn. Điều này sẽ tác động khá bất lợi lên tăng trưởng cả năm 2022.