Hậu việc tôm Việt thoát thuế chống trợ giá tại Mỹ:
Kỳ vọng xuất khẩu đạt mục tiêu
(Tài chính) Ngày 20/9 tại Washington, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) đã ra quyết định hủy bỏ vụ kiện chống trợ giá tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây là một trong những tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường xuất khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang gặp hàng loạt khó khăn trong thời gian qua.
Trên cơ sở này, giữa tháng 8/2013, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cuối cùng, cáo buộc tôm xuất khẩu của Việt Nam được hưởng trợ giá làm tổn hại tới các nhà đánh bắt và chế biến tôm của Mỹ.
Như vậy, nếu cáo buộc này trở thành hiện thực các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam bị áp mức thuế từ 1,15-7,88%. Tuy nhiên, phán quyết này của Bộ Thương mại Mỹ cần phải thông qua USITC bỏ phiếu.
Ngày 20/9/2013, một ủy ban của USITC gồm 6 thành viên đã bỏ phiếu phủ quyết với tỷ lệ 4 phiếu chống và 2 phiếu thuận. Như vậy, các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phải chịu thuế chống trợ cấp tại Mỹ.
Kết luận của USITC cho thấy ngành công nghiệp thực phẩm của Mỹ không bị ảnh hưởng hay đe dọa về vật chất bởi tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Như vậy, ngoài Việt Nam, bốn nước khác có tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ là Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc và Ecuador không phải chịu thuế chống trợ cấp tại Mỹ.
Sau khi USTC đăng tải thông báo này trên website, Bộ Thương mại Mỹ sẽ không ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm từ 5 nước này. Điều này đang tạo ra điều kiện thuận lợi cho tôm Việt Nam rộng đường vào thị trường có sức tiêu thụ lớn như Mỹ.
Trong một động thái khác liên quan đến tôm xuất khẩu, sau nhiều năm áp loại thuế đối với mặt hàng tôm, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ lần đầu tiên đã công nhận Việt Nam không bán phá giá. Như vậy, 33 doanh nghiệp tham gia đợt xem xét hành chính hưởng mức thuế 0%.
Còn nhớ, kể từ năm 2004, tôm Việt Nam chính thức bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mức thuế giai đoạn đầu tiên là 4,57%. Từ đó đến nay, Việt Nam đã trải qua 7 đợt rà soát hành chính. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sau gần chục năm Bộ Thương mại Mỹ đã thừa nhận các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam không bán phá giá và quyết định mức đưa mức thuế này về 0% cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng lý giải, việc giảm thuế chống trợ giá và chống bán phá giá về 0% đối với tôm Việt là phán quyết cuối cùng của một đợt xem xét hành chính. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các đợt xem xét hành chính sau (mỗi năm một lần) có thể đưa ra những kết quả khác.
Theo VASEP, mục tiêu xuất khẩu tôm cả năm 2013 sẽ đạt 2,5 - 2,6 tỉ USD, tăng 12-16% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 100 - 200 triệu USD so với dự báo được đưa ra đầu năm nay. Trong 8 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,16 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất tôm đạt hơn 1,7 tỷ USD, chiếm tới 41,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Riêng tại Mỹ - thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng qua với kim ngạch đạt trên 445 triệu USD, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc Bộ Thương mại Mỹ quyết định hủy bỏ vụ kiện chống trợ giá tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng như công nhận Việt Nam không bán phá giá sẽ tạo cơ sở để tin tưởng có thể đạt được mục tiêu này trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang đối mặt với không ít thách thức, còn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước cũng đang chật vật với khó khăn trong thời gian qua.
Điều này phần nào được chứng minh khi theo ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú, nhờ kiên trì mục tiêu và có chiến lược kinh doanh hợp lý nên xuất khẩu tôm của công ty đang tăng mạnh so với những năm qua. Đối với Thủy sản Minh Phú, chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của đã đạt 170 triệu USD, chiếm 14,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn ngành (1,12 tỉ USD). Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng đối với Thủy sản Minh Phú nói riêng và các doanh nghiệp thủy sản nói chung sau một thời gian dài khó khăn do yếu tố khách quan và chủ quan.