Lãi suất "chạm đáy", áp lực huy động tiền gửi ngày càng tăng
sang tháng 8, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên thị trường không có nhiều biến động so với tháng trước. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tiền gửi sụt giảm ở nhiều ngân hàng quy mô nhỏ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với bối cảnh dịch bệnh vẫn rất phức tạp, doanh nghiệp và người dân tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kéo theo nhu cầu tín dụng cũng suy yếu. Bởi vậy, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại được dự báo đi ngang trong thời gian tới, áp lực có tăng cũng không đáng kể.
Lãi suất cao nhất bao nhiêu?
Khảo sát nhanh một vài biểu niêm yết lãi suất đầu tháng 8/2021 cũng dễ dàng nhận thấy, các ngân hàng chưa có động thái muốn thay đổi. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất vẫn thuộc về kỳ hạn từ 12 tháng và mức huy động giữa các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn từ 5,4%/năm đến 7,4%/năm.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về ACB là 7,4%/năm. Đây là mức lãi suất được ACB áp dụng cho khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên gửi tại kỳ hạn 13 tháng. Ở tháng trước, mức lãi suất cao nhất ghi nhận được là 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng tại Ngân hàng Phương Đông (OCB). Tuy nhiên OCB đã dừng triển khai huy động vốn tại kỳ hạn này trong tháng 8.
Techcombank đứng ở vị trí thứ 2 với mức huy động là 7,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện khách hàng phải gửi từ 999 tỷ đồng.
Theo sau đó là MSB với lãi suất tiết kiệm đang áp dụng là 7%/năm cho các khoản tiền tối thiểu 200 tỷ đồng trở lên đăng ký gửi trong thời gian 12 tháng và 13 tháng.
Một số ngân hàng khác cũng đang huy động tiền gửi với lãi suất hấp dẫn, tuy nhiên các nhà băng này có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất đưa ra. Chẳng hạn: LienVietPostBank có lãi suất 6,99%/năm áp dụng tại kỳ hạn 60 tháng hoặc đối với khoản tiền gửi từ 300 tỷ đồng tại kỳ hạn 13 tháng; MBBank có lãi suất 6,9%/năm áp dụng với số tiền gửi từ 200 tỷ đến dưới 300 tỷ đồng tại kỳ hạn 24 tháng; Ngân hàng Việt Á có lãi suất 6,9%/năm niêm yết tại kỳ hạn 15 - 36 tháng và không quy định số tiền gửi…
Trên thị trường, Big 4 vẫn là nhóm ngân hàng duy trì mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thấp nhất chỉ 5,5%/năm và 5,6%/năm.
Ở kỳ hạn ngắn, chỉ có duy nhất Sacombank điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất so với tháng 7. Cụ thể, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn chủ chốt với mức giảm từ 0,2 - 0,4% so với cùng kỳ tháng 7/2021, cụ thể: kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3% xuống còn 3,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% xuống còn 4,6%.
Lượng tiền gửi nhiều ngân hàng sụt giảm
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất so với nhiều năm qua khiến cho dòng tiền vào các nhà băng cũng eo hẹp hơn so với các kênh đầu tư khác.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong 5 tháng đầu năm tăng 2,9%, đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,6% lên hơn 5,27 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn với 3,3% và vượt mốc 5 triệu tỷ đồng.
Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của gần 30 ngân hàng cho thấy, tổng số dư tiền gửi khách hàng tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 9 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2020.
Đáng lưu ý, dù 4 ngân hàng có vốn nhà nước luôn ở phía cuối của bảng xếp hạng về lãi suất huy động, song lại là nhóm ngân hàng có số dư tiền gửi lớn nhất với gần 4,9 triệu tỷ đồng, chiếm đến 53,8% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.
Cụ thể, Agribank dẫn đầu ngành về quy mô tiền gửi với 1,46 triệu tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng lẻ), tăng 4,2% so với đầu năm. Tiếp theo là BIDV với gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% sau 6 tháng. Quy mô tiền gửi của Vietcombank đạt 1.051 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% và VietinBank là 1.039 nghìn tỷ đồng, tăng 5%.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, hiện tại SCB là ngân hàng có số dư tiền gửi tiết kiệm của khách hàng lớn nhất với 479 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Sacombank đang có số dư tiền gửi cao thứ hai, với 433 nghìn tỷ đồng. Theo sau đó là ACB với 358 nghìn tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác trong nửa đầu năm cũng huy động được số tiền gửi lớn như: MB là 343 nghìn tỷ đồng; SHB là 310 nghìn tỷ đồng; Techcombank là 289 nghìn tỷ đồng… Ngược lại, một số ngân hàng quy mô nhỏ ghi nhận tiền gửi của khách hàng sụt giảm trong nửa đầu năm nay.
Tại NCB, huy động tiền gửi khách hàng sụt giảm 4,4% trong nửa đầu năm xuống 68.904 tỷ đồng; SeABank với 5.293 tỷ đồng tiền gửi ghi nhận giảm trong những tháng đầu năm nay, tương đương giảm 4,7%; Tại ABBank, số dư tiền gửi khách hàng tại ngày 30/6 là 67.136 tỷ đồng, giảm hơn 5.300 tỷ so với đầu năm nay, tương đương giảm tới 7,4%.
Một số ngân hàng khác tiền gửi của khách hàng cũng có sự sụt giảm, nhưng ít hơn như: Ngân hàng Bản Việt giảm 3,6% so đầu năm, PGBank giảm 0,2%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, mặt dù tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng thanh khoản hệ thống chưa rơi vào tình trạng eo hẹp. Lý do được cho là do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến tín dụng chưa thể "bứt phá", kéo theo nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp có thể yếu đi.