Lãi suất cho vay ngắn hạn trung bình tại các ngân hàng thương mại là 9,17%

Bảo Ngọc

Theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), lãi suất cho vay ngắn hạn trung bình tại các ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,96% xuống 9,17% trong năm 2024.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, còn nhiều dư địa cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, còn nhiều dư địa cung ứng vốn cho nền kinh tế.

MB vừa phát hành báo cáo ngành quý IV/2024 “Tổng quan ngành Ngân hàng 2024 và xu hướng phát triển 2025”.

Theo số liệu từ Báo cáo, lãi suất cho vay ngắn hạn trung bình tại các ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,96% xuống 9,17%, cao hơn mức trung bình toàn hệ thống, cho thấy sự cạnh tranh cao khi các ngân hàng vừa phải duy trì lợi nhuận, vừa đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Mặc dù, đến nay, chưa có con số thông báo chính thức về kết quả tăng trưởng tín dụng năm 2024, NHNN vẫn đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi nhờ lãi suất ổn định và nhu cầu tín dụng tăng.

Theo NHNN, tính đến ngày 7/12/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 15,3 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2023, còn cách mục tiêu đề ra là 2,5% nữa, tương đương 300 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng, trong quý III/2024, NHNN đã giảm lãi suất trên kênh cầm cố về mức 4%/năm, bơm ròng qua thị trường mở liên tiếp 3 tháng với tổng quy mô khoảng 165 nghìn tỷ đồng, qua đó giảm lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.

Hoạt động điều hành thị trường mở của nhà điều hành linh hoạt đã hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng giữ ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, lãi suất huy động tương đối ổn định trong tháng 9 đến nay.

MB cho rằng, thanh khoản hệ thống dồi dào, còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thời gian qua, các ngân hàng đã có những bước đi quan trọng trong việc tăng cường thanh khoản thông qua huy động vốn từ tiền gửi của dân cư.

So với cùng kỳ năm trước, lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng thêm 448.820 tỷ đồng. Tăng trưởng huy động mạnh mẽ này tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng tín dụng trong những tháng tới. Đồng thời, các ngân hàng gia tăng nắm giữ trái phiếu chính phủ, với mức tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự thận trọng trong quản lý tài sản và duy trì an toàn vốn trong bối cảnh thị trường tài chính biến động.

Đến tháng 8/2024, lượng tiền gửi tại các ngân hàng tăng 12% so với năm trước, đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm ngắn hạn từ 3 - 6 tháng. Khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chiếm khoảng 66% tổng giao dịch ngoại tệ trong hệ thống và 30% thị phần giao dịch với khách hàng.

Chiến lược tích trữ tài sản an toàn này không chỉ là biện pháp bảo toàn vốn mà còn giúp các ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn thanh khoản, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tiếp tục gia tăng.