Lãi suất cho vay thỏa thuận: Những câu hỏi lớn, chưa lời đáp!

H.V

“Liệu có trường hợp DN sẽ kiện NH vì cho vay vượt trần lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự - 2005? Bởi thực tế NHNN đã ban hành thông tư số 07/2010/TT-NHNN quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với cho vay trung và dài hạn nhưng vẫn còn duy trì lãi suất cơ bản. Nói cách khác, thỏa thuận lãi suất cho vay cao hơn 150% lãi suất cơ bản do NHNN là trái pháp luật”, TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị NH Liên Việt băn khoăn.

Vai trò lãi suất cơ bản sẽ đi về đâu?

Việc NHNN chính thức ban hành thông tư cho phép áp dụng lãi suất cho vay thoả thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, đồng thời có thể sẽ cho phép các NHTM thu thêm phí đối với các khoản vay ngắn hạn trong thời gian tới được coi như là một điển hình về việc tự do hoá lãi suất. Giới chuyên gia đánh giá bước đi này của NHNN nhằm “lách” quy định lãi suất cho vay trong nền kinh tế không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản đã được quy định trong Bộ luật Dân sự.

“Với quy định này, vai trò của lãi suất cơ bản sẽ đi về đâu? Nếu không còn chức năng khống chế trần lãi suất cho vay thì lãi suất cơ bản trong thời gian tới sẽ có vai trò gì? Phải chăng chỉ là một nhân tố mang ý nghĩa chủ yếu về mặt tâm lý đối với nền kinh tế? Có vẻ như NHNN đang dần điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thoát khỏi “vòng kim cô” của lãi suất cơ bản để hướng tới một loại lãi suất có khả năng tác động trực tiếp đến cung tiền cơ sở như ngân hàng Trung ương của các nước phát triển (FED, ECB…) đang làm. Và nếu NHNN làm được điều đó, lãi suất cơ bản của Việt Nam sẽ được trả về với đúng ý nghĩa và vai trò của nó”, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách nhận định.

Trong khi đó, TS.Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, tự do hoá lãi suất là một cơ chế có nhiều ưu điểm, giúp cân bằng cung - cầu vốn ở một mức lãi suất hợp lý và phản ánh đúng diễn biến của thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, để thực hiện được cơ chế này một cách đầy đủ và linh hoạt đòi hỏi Việt Nam phải có một nền tảng về kinh tế vĩ mô ổn định và cơ chế quản lý - giám sát hiệu quả. Nếu không làm được điều này, tình trạng cho vay “nặng lãi” ngay trong hệ thống NH rất dễ xảy ra và các rủi ro liên quan đến vấn đề tín dụng có thể sẽ tăng lên đáng kể.

Mặc dù rất ủng hộ chủ trương tự do hoá lãi suất của NHNN nhưng không ít chuyên gia bày tỏ sự lo ngại nếu tình hình vĩ mô bộc lộ những bất ổn và hoạt động kiểm tra - giám sát của các NHTM không hiệu quả, chủ trương này có thể sẽ dẫn đến rủi ro cho cả nền kinh tế mà biểu hiện rõ nhất là chi phí lãi vay của các DN tăng cao.

Nguồn cung vốn sẽ thực sự khơi thông?

Mục đích của Thông tư 07 đã rõ, nhưng theo TS.Nguyễn Đức Hưởng, NHNN chưa tính đến việc tìm nguồn vốn vào hệ thống NH. Tình hình thanh khoản hệ thống NH mấy năm gần đây luôn “có vấn đề” và cuộc đua lãi suất huy động vừa qua còn chưa có dấu hiệu dừng lại. Liệu với tình hình này, NH có thể làm tròn trách nhiệm của mình với những nhiệm vụ đặc biệt như hỗ trợ lãi suất như trong năm 2009?

Bên cạnh đó, “mầm mống” gây lạm phát chính là tăng cung vốn cho thị trường, trong khi việc huy động vốn vào hệ thống NH lại không hấp dẫn do lãi suất thấp sẽ làm lượng tiền lưu thông ngoài thị trường lớn hơn.

Với việc chuyển lãi suất cơ bản sang vai trò chỉ là trần lãi suất tiền gửi, thì việc tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới là không tránh khỏi. Như vậy, hoặc là, thanh khoản của hệ thống NHTM tiếp tục căng thẳng và cần phải có mặt bằng lãi suất huy động cao hơn giúp cho các NHTM huy động đủ vốn để cho vay. Hoặc là áp lực lạm phát gia tăng cao hướng đến ngưỡng 10% của lạm phát so cùng kỳ năm trước.

Khả năng tăng lãi suất do lạm phát khá cao vì hai tháng tới đây, rất nhiều hàng hóa sẽ tăng giá do áp lực tăng chi phí đầu vào từ tăng giá than, xăng, điện, phân bón. Khi đó, lãi suất cơ bản sẽ tăng lên 9%, tương đương với trần lãi suất tiền gửi 12% và mức lãi suất cho vay 15-16% là phù hợp với tình hình cung cầu tín dụng và đảm bảo được cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng trong 1 vài tháng tới.

TS. Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng, việc cho vay theo thỏa thuận sẽ không tránh khỏi trường hợp DN phải vay với lãi suất cao và mỗi DN có mức lãi suất khác nhau. Nguyên nhân là do NH sẽ dựa trên mối quan hệ của DN với NH thế nào và tiềm năng phát triển ra sao để đưa ra mức lãi suất phù hợp. Nhưng trên quan điểm ủng hộ DN, NH Liên Việt sẽ đưa ra mức lãi suất cho vay tối đa là 16%/năm.

Như vậy, trong khoảng thời gian ngắn nữa, một kịch bản lãi vay VND với mức trần mới chắc chắn sẽ sớm được định hình và DN phải “quen” với điều đó.