Lãi suất huy động giảm nhiệt
Dư luận lãi suất tăng đã giảm nhiệt vào đầu tuần này, sau khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông tin thị trường không có áp lực tăng lãi suất.
Thị trường không có áp lực tăng lãi suất
Sau khi VPBank, Sacombank, VietABank phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao kỳ hạn 5-7 năm, lãi suất cao nhất lên đến 9,2%/năm, một số phân tích cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng (NH) không an toàn. Tuy nhiên, ghi nhận từ thị trường, chỉ sau một thời gian ngắn tăng nhẹ lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần (như MaritimeBank, DongABank, VietBank, VIB…) mấy ngày qua đã đột ngột đảo chiều giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm.
Giải thích cho động thái tăng lãi suất huy động khoảng hai tuần qua, lãnh đạo một số NHTM cho rằng nếu chỉ vin vào các nguyên nhân liên quan đến an toàn vốn và thanh khoản thì miễn cưỡng có thể chấp nhận ở một vài NHTM. Thực tế, từ đầu năm đến nay NHNN vẫn “bơm” và “hút” tiền rất nhịp nhàng qua các kênh cấp vốn.
Ngoài ra, hiện nay mặc dù một số NHTM cổ phần đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi nhưng nhóm 4 NHTM lớn (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vẫn không có động thái gì. Theo ước tính, phần chênh giữa tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 và tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 20/2 là khoảng 65.000 tỷ đồng.
Số vốn dư thừa này chủ yếu nằm tại các NHTM có quy mô lớn nhất hệ thống nên nhóm này chưa chịu nhiều sức ép tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay trung dài hạn của nhóm NHTM lớn hiện ở mức 43,4 - 45,2%. Vì thế, chưa có đủ cơ sở và dấu hiệu để nhận định đang có sự lệch pha tín dụng ở cấp độ hệ thống.
Còn dư địa ổn định lãi suất
Theo phân tích của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), xét chung cả hệ thống NH, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu năm 2017. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động khoảng 4,3% - 5,5%/năm, 6-12 tháng khoảng 5,3% - 7%/năm; 12 tháng trở lên khoảng 6,5% - 8%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay khá ổn định, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6% - 7%/năm đối với ngắn hạn và 9% - 10%/năm đối với trung và dài hạn. VCBS nhận định mặc dù dấu hiệu tăng lãi suất huy động ở một số ngân hàng nhưng NHNN vẫn còn nhiều dư địa để điều tiết thị trường và đảm bảo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay với mức huy động kỳ ngắn hạn khoảng 4% - 4,5%, trung dài hạn 6,5% - 8%/năm thì lãi suất cho vay 5% - 7% (ngắn hạn) và 9% - 10%/năm (dài hạn) là hợp lý. Bởi với mức này người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương khoảng 2,5% - 3%, sau khi trừ đi lạm phát (giả định là 5%/năm) thì vẫn đảm bảo giá trị của đồng tiền.
Trong khi đó, xét ở phía các NHTM, ông Tín cho rằng margin lợi nhuận của các NH Việt Nam hiện nay được xem là thấp nhất ở khu vực châu Á. Nếu cộng cả các chi phí kinh doanh, hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro thì hầu như không còn khả năng để các tổ chức tín dụng tăng thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới.