Cuộc đua lãi suất “siêu hấp dẫn”: Người gửi tiền hưởng lợi?

Theo enternews.vn

Nhiều ngân hàng như Sacombank, VietABank… đã tung ra chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, có nơi lên đến gần 9%/năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thông thường, các chứng chỉ tiền gửi đều có kỳ hạn dài vài năm trở lên. Tuy nhiên, có ngân hàng áp dụng kỳ hạn chỉ từ 6-18 tháng, điển hình như VietABank với mức hưởng lãi suất lên đến 8,2%/năm.

Bên cạnh đó, thay vì thể hiện bản chất chứng chỉ tiền gửi là khoản tiền lớn, thì nay một số ngân hàng như LienVietPostBank chỉ yêu cầu người gửi tiền mua chứng chỉ với mệnh giá chỉ từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng. Không chỉ thế, khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng được.

Mở đầu cho sự xuất hiện lãi suất “siêu hấp dẫn” là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Từ ngày 15/3, ngân hàng này bắt đầu phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng Việt Nam đồng trên toàn hệ thống, dành cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức.

Khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn 5 năm +1 ngày hoặc 7 năm sẽ nhận được những ưu đãi như: lãi suất hấp dẫn 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm +1 ngày và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm trong năm đầu tiên.

Hai ngày sau khi Sacombank phát hành, VietABank cho biết bắt đầu triển khai đợt huy động mới qua phát hành chứng chỉ tiền gửi, với hướng cạnh tranh về cơ cấu kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất cao nhất thấp hơn với 8,2%/năm nhưng hướng cạnh tranh lại thể hiện rõ ở các kỳ hạn ngắn hơn rất nhiều. Cụ thể, ngân hàng này tập trung ở các kỳ hạn 6, 9, 13, 15 và 18 tháng.

Mức lãi suất 8,2%/năm cùng cơ cấu kỳ hạn ngắn của VietABank là cạnh tranh mới trên thị trường thời điểm này, so với lãi suất tiết kiệm VND truyền thống.

Ngoài việc tăng lãi suất từ chứng chỉ tiền gửi dài hạn, các ngân hàng cũng nâng lãi suất huy động trong kỳ hạn ngắn. Hiện tại, Ngân hàng Đông Á và SCB đang là hai ngân hàng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh nhất đối với huy động ngắn hạn (từ 1-4 tháng) là 5,4%- 5,5%/năm. Mức lãi suất cao nhất cho huy động kỳ hạn 6-9 tháng là 6,9%/ năm tại SCB.

Việc ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao thực chất là một cách nhằm huy động nguồn tiền để cơ cấu lại nguồn vốn huy động, chuẩn bị cho năm tài chính 2017.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính là do các ngân hàng đang phải tái cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn từ 60% xuống còn 50% kể từ đầu năm 2017 theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Vì vậy, không chỉ với các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, ngay cả những ngân hàng lớn cũng chạy đua tung khuyến mãi, quà tặng, nhằm cạnh tranh hút tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nhiều ngân hàng trên địa bàn đang gần chạm trần trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên chắc chắn họ sẽ tăng cường huy động vốn trung dài hạn để đủ nguồn cho vay tương ứng. Vì thế, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một cách để tăng nguồn vốn trung và dài hạn này.

Một lý do khác, theo lý giải của giới chuyên gia, hút vốn qua phát hành chứng chỉ tiền gửi dù phải trả lãi suất cao hơn so với phương thức tiết kiệm thông thường nhưng sẽ giúp ngân hàng yên tâm hơn trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn. Bởi đặc điểm của loại giấy tờ có giá này là người mua không được thanh toán trước hạn.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi mà cạnh tranh ngày càng gay gắt, các ngân hàng đã linh hoạt hơn khi cho phép khách hàng có thể tự do chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi với ngân hàng bất cứ lúc nào. Trường hợp khách không muốn bị chiết khấu khi chuyển nhượng (ngân hàng sẽ thu phí khi chuyển nhượng trước hạn) thì người mua có thể cầm cố lại chứng chỉ để vay vốn của ngân hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, mặc dù có lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhưng người mua cần tính toán kỹ, chỉ nên mua khi đã có kế hoạch rõ ràng về việc sử dụng vốn của mình.

Trả lời báo giới mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, mức lãi suất 8,8%/năm là cao nhưng với thời hạn 7 năm thì cần phải xem xét. Nếu tính kỹ thì không có gì là hấp dẫn. Bởi vì 7 năm là thời gian rất dài, nếu tính mốc 2017 thì tức là đến năm 2024 mới đến hạn. Nếu tính lạm phát ở mức 4-5%/năm thì 7 năm cũng đã mất tới 30-35%. Khi đó lãi suất đã rất thay đổi trong khi của họ vẫn chỉ hơn 8% thôi.

Mặc dù lãi suất huy động mới tăng mạnh ở những chứng chỉ tiền gửi, kỳ hạn ngắn ở nhiều ngân hàng khá ổn định hoặc chỉ nhích nhẹ, song nhiều ý kiến lo ngại cuộc đua huy động vốn cùng với hình thức chứng chỉ tiền gửi đang nở rộ sẽ tiếp tục làm cho bài toán lãi suất nóng lên. Hiện theo Thông tư 39/2017, lãi suất cho vay trung, dài hạn đã được cởi trói và thực hiện theo cơ chế lãi suất thỏa thuận. Vì vậy, diễn biến này cũng làm tăng lo ngại lãi suất vay trung và dài hạn sẽ tăng trong thời gian tới.