Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 2/2023: Tăng giảm tùy từng ngân hàng


Theo biểu lãi suất được các ngân hàng công bố trong ngày đầu tiên của tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được điều chỉnh tăng/giảm tùy từng ngân hàng so với đầu tháng 1/2023 và trước Tết Nguyên đán.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khảo sát nhanh được thực hiện trên website của các ngân hàng: Vietcombank, BIDV, VietinBank, SCB, BacABank, NCB, SeABank, VIB, VPBank, Techcombank, MB, ACB, Sacombank, VietABank, HDBank, TPBank, KienlongBank, Saigonbank… trong ngày đầu tháng 2/2023 cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được điều chỉnh tăng/giảm tùy từng ngân hàng, trong đó: một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,05 - 0,5%; một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,1 - 0,7%; một số ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định so với trước đó.

Biểu lãi suất mới nhất được Techcombank công bố cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số kỳ hạn được khảo sát (6, 9, 12, 24 tháng) đã điều chỉnh giảm từ 0,3 - 0,5 điểm %/tùy kỳ hạn.

Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng đều có mức giảm 0,5% và cùng niêm yết mức lãi suất là 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng đều niêm yết lãi suất huy động là 8,7%/năm, giảm 0,3% so với đầu tháng 1/2023.

Hay tại Sacombank, mức lãi suất cho các khoản tiền gửi từ 1 - 4 tháng lĩnh lãi cuối kỳ được niêm yết ở mức 5,7% - 5,95%/năm/tùy kỳ hạn, giảm 0,05-0,3 điểm % so với tháng trước; các kỳ hạn còn lại không thay đổi.

Ở nhóm ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại kỳ khảo sát lần này thì VPBank đã tăng thêm 0,1% ở tất cả các kỳ hạn được khảo sát (6, 9, 12, 24 tháng). Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6, 9 tháng đều niêm yết ở mức 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 9,2%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 9,3%/năm.

Hay KienLongBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1% - 0,7%, cụ thể, các kỳ hạn 6, 9, 12 tháng đều tăng thêm 0,7% lên mức lần lượt là 9,3%/năm, 9,4%/năm, 9,5%/năm; riêng kỳ hạn 24 tháng có lãi suất niêm yết là 8,5%/năm, tăng thêm 0,1%.

Các ngân hàng khác như: Sacombank, SeABank, NCB, Saigonbank… đều giữ nguyên lãi suất so với đầu tháng 1/2023.

Ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ổn định so với tháng trước đó. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy của các ngân hàng này vẫn ghi nhận ở mức 7,4%/năm. Tuy nhiên, nếu gửi tiết kiệm trên kênh online, lãi suất được điều chỉnh cao hơn một chút.

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động 12 tháng (mẫu theo dõi của BVSC) trung bình trong tháng 1 tiếp tục tăng thêm 7 điểm cơ bản (bps) so với tháng 12/2022, lên mức 8,49%.

Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng đã tăng 268 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,92% tăng thêm 11 điểm cơ bản so với mức trung bình của tháng 12 và 292 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Mức lãi suất huy động hiện tại đã thiết lập một mặt bằng cao hơn so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Áp lực tăng của cả 2 loại kỳ hạn chủ yếu tới từ nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi các ngân hàng có gốc quốc doanh không thực hiện tăng lãi suất đối với kỳ hạn 12 tháng và chỉ tăng nhẹ đối với kỳ hạn 6 tháng.

BVSC cho rằng, áp lực tăng lãi suất sẽ vẫn còn khi các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn còn có các kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất trong đầu năm 2023, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Bên cạnh đó, khi dư nợ tín dụng trong hệ thống trong năm vừa rồi đã vượt mức huy động, các ngân hàng trong nước cũng có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, do đó có thể phải thực hiện tăng lãi suất.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng còn nhiệm vụ ổn định giá cả, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay khi áp lực lạm phát đã bắt đầu từ quý IV/2022 và vẫn đang còn rất lớn (BVSC dự báo có thể vượt mục tiêu lạm phát 4,5% trong các tháng đầu năm). Do đó, lãi suất khó có thể có diễn biến giảm ngay trong các tháng đầu năm 2023.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất còn dư địa tăng trong nửa đầu năm, trước khi đi ngang hoặc hạ nhiệt.

Với lãi suất huy động, VCBS dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 100 - 150 điểm cơ bản (1% - 1,5%). VCBS đưa ra 2 lý do giải thích cho dự báo này: Quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023; mặt khác, Ngân hàng Nhà nước khẳng định ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống.

Tuy vậy, VCBS cho rằng, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.

Theo P.V/thitruongtaichinhtiente.vn