Chủ động điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Bám sát chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trên cơ sở điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để tập trung triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Bối cảnh quốc tế, trong nước và những vấn đề đặt ra
Từ đầu năm 2022, trước tác động của đại dịch COVID-19 đến các hoạt động kinh tế-xã hội, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 (ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) và Nghị quyết số 11/ NQ-CP (ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đề cao tính chủ động, linh hoạt, thích ứng của các giải pháp thực hiện Chương trình.
Trong năm 2022, bối cảnh thế giới và trong nước chuyển biến vô cùng nhanh, khó khăn hơn rất nhiều so với các đánh giá, dự báo tại thời điểm cuối năm 2021 khi xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế thế giới có nguy cơ suy thoái, lạm phát tăng nhanh, nhất là khi xung đột địa chính trị Nga-Ukraine nổ ra làm cho giá dầu tăng đột biến, làm trầm trọng thêm vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2022, hơn 80 quốc gia đối mặt với lạm phát 2 con số. Trọng tâm CSTT tại các ngân hàng trung ương (NHTW) chuyển từ thái cực “nới lỏng không giới hạn” trong giai đoạn COVID-19 sang trạng thái ngược lại là “thắt chặt khẩn cấp” nhằm kiểm soát lạm phát. Các NHTW tăng nhanh, mạnh lãi suất điều hành.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mục tiêu nhanh nhất trong vòng 40 năm trở lại đây (07 lần, từ 0-0,25%/năm lên 4,25-4,5%/ năm), khiến USD tăng giá mạnh nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây; Chỉ số USD (DXY) trong tháng 9/2022 đạt 115, tăng gần 20% so với cuối năm 2021. Điều này khiến dòng vốn rút ra khỏi các quốc gia mới nổi, tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền các nước này.
Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn, biến động về giá cả, lạm phát, lãi suất, tỷ giá và diễn biến bất trắc từ thị trường quốc tế như đề cập ở trên đặt ra thách thức rất lớn cho công tác điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Lạm phát nhập khẩu làm gia tăng chi phí sản xuất, gây sức ép lên lạm phát trong nước, do đó mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 được kiểm soát dưới 4%, nhưng lạm phát cơ bản tăng nhanh, đột biến từ 0,66% tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021 lên 4,99% so với cùng kỳ vào tháng 12/2022, tạo thách thức lớn đối với việc kiểm soát lạm phát năm 2023. Trong bối cảnh đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước chịu sức ép rất lớn từ xu hướng USD tăng giá mạnh và biến động dòng vốn quốc tế, tương tự như các nước mới nổi và đang phát triển khác.
Chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bám sát diễn biến thị trường để hỗ trợ thực hiện Chương trình
Trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, trong 9 tháng đầu năm 2022, NHNN đã bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT góp phần kiểm soát lạm phát bình quân ở mức thấp (2,73%), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực (GDP tăng 8,83%), thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, VND mất giá ở mức thấp (4,8%) so với đồng tiền của nhiều nước (từ 6%-33%), mặt bằng lãi suất VND tăng nhẹ (khoảng 0,3-0,4%) trong khi lãi suất tại nhiều nước tăng mạnh. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi trả của doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2022, thị trường trong nước và quốc tế biến chuyển nhanh, diễn biến tiêu cực do lãi suất, tỷ giá thế giới tăng mạnh, gia tăng áp lực lên hoạt động tiền tệ, ngân hàng trong nước. Thanh khoản thị trường tiền tệ kém, tỷ giá thị trường tăng cao, gia tăng áp lực lên mặt bằng tỷ giá, lãi suất. Thanh khoản nền kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn, huy động vốn trung dài hạn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đình trệ; thanh khoản thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, nhiều dự án dở dang khó tiếp tục huy động được vốn qua phát hành TPDN mới.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để cải thiện tình hình và tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể: (i) Tập trung cải thiện thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD; chỉ đạo các TCTD tăng cường kết nối, tích cực cho vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, kết hợp công tác truyền thông với các giải pháp điều hành từ NHNN để bình ổn tâm lý thị trường. (ii) Trong 8 tháng đầu năm, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao và lạm phát cơ bản có xu hướng tăng nhưng NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành, nỗ lực kiềm chế để mặt bằng lãi suất không tăng như các nước; tuy nhiên, khi thị trường đột ngột chuyển biến theo hướng khó khăn từ tháng 09/2022, NHNN đã 02 lần tăng lãi suất điều hành (mỗi lần tăng 1%) nhằm kiểm soát lạm phát, giải tỏa áp lực tâm lý, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; (iii) Điều hành phối hợp đồng bộ các giải pháp CSTT nhằm ổn định thị trường ngoại hối, gồm: tăng biên độ giao dịch của tỷ giá từ ±3% lên ±5% (ngày 17/10), cho phép tỷ giá tăng đến 9% so với cuối năm 2021, và khi áp lực thị trường được giải tỏa, NHNN chủ động giảm dần tỷ giá bán can thiệp để hạn chế kỳ vọng VND mất giá. Nhờ các biện pháp điều hành quyết liệt và đồng bộ của NHNN, thanh khoản các TCTD được đảm bảo, tâm lý thị trường ổn định trở lại. Tỷ giá thị trường giảm nhanh, đến ngày 29/12/2022 quanh mức 23.654 VND/ USD, chỉ tăng 3,81% so với cuối năm 2021; (iv) NHNN đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% và điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tiễn. Do kinh tế phục hồi sau đại dịch, trong khi thị trường TPDN gặp nhiều khó khăn, nên tín dụng ngân hàng tăng cao, 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 17% so với cùng kỳ 2021 – là mức tăng cao so với nhiều năm trở lại đây. Năm 2022, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15% (dưới mục tiêu 4%), NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5-2% cho các TCTD để hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, khả năng cân đối vốn để cấp tín dụng, giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng cho nhà ở xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tăng cường thanh tra, giám sát các hoạt động ngân hàng và thúc đẩy xử lý nợ xấu; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Trong năm 2022, NHNN tiếp tục tăng cường giám sát tình hình hoạt động của các TCTD, nhất là hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các khoản nợ được cơ cấu lại, đảm bảo lộ trình trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; chấn chỉnh các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng (đặc biệt là tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động mua và đầu tư TPDN…), không hạ chuẩn cấp tín dụng để kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển ngân hàng số, thúc đẩy chuyển đổi số tại các NHTM theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030; chỉ đạo các NHTM phối hợp với Bộ Công an để thử nghiệm các giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip trong việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money). Đồng thời đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng.
Tích cực phối hợp với chính sách tài khóa triển khai các nhiệm vụ tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, NHNN đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn NHTM hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; đồng thời, tổ chức các hội nghị toàn quốc để quán triệt, phổ biến, thống nhất triển khai chính sách từ trung ương đến địa phương, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách, liên tục rà soát và chỉ đạo TCTD đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng được thụ hưởng.
NHNN cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trong quý I/2022.
Kết quả là Ngân hàng Chính sách xã hội đã khẩn trương triển khai cho vay hiệu quảcác chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính; chương trình cho vay nhà ở xã hội; chương trình cho vay hỗ trợ việc làm; chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non-tiểu học ngoài công lập; chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn tại NHCSXH theo quy định tại Nghị định số 36/2022/NĐ-CP, đến ngày 21/11/2022, NHCSXH giải ngân vốn vay cho các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất cho hơn 1,8 triệu khách hàng.
Khó khăn, thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới
Năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, bất định. Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, nguy cơ suy thoái hiện hữu, các điều kiện tài chính thế giới thắt chặt để đối phó với lạm phát. Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra triển vọng kém lạc quan và liên tục cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Kinh tế trong nước đối mặt với thách thức khi kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp và có nguy cơ suy thoái, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, thanh khoản thị trường TPDN, bất động sản khó khăn tác động ngược trở lại nền kinh tế, giải ngân đầu tư công tiếp tục khó khăn... Lạm phát năm 2023 dự kiến tiếp tục chịu nhiều áp lực khi kinh tế trong nước phục hồi và giá hàng hóa thế giới diễn biến khó lường. Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế dự báo năm 2023 tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 5,8- 7,2%; lạm phát bình quân khoảng 3,2-5,5%.
Trên thế giới, lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu tăng chậm lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất (nhưng duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn dự kiến), chỉ số USD quốc tế giảm qua đó giảm bớt áp lực cho điều hành lãi suất, tỷ giá trong nước trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn còn nhiều thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Với đặc thù và cơ cấu nền kinh tế như vậy, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối là rất thách thức trong dài hạn, đòi hỏi phải có định hướng chiến lược trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu sang dựa trên khuyến khích và kích thích tổng cầu trong nước.
Ngoài ra, huy động vốn qua thị trường chứng khoán, TPDN diễn biến không thuận lợi; thị trường bất động sản khó khăn... tạo áp lực lớn lên tín dụng hệ thống ngân hàng, trong khi tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao nhất trong nhóm các nước thu nhập bình quân thấp theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) (cuối năm 2022 ước 125%); các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm thường xuyên cảnh báo Việt Nam về tỷ lệ này.
Đứng trước môi trường đầy khó khăn và bất trắc như đề cập ở trên, việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/ năm trong giai đoạn 2022-2023 như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đề ra là rất thách thức (trong khi các NHTW trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất; lạm phát trong nước có xu hướng gia tăng mạnh; cầu tín dụng trong nước gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; đồng USD tăng giá gây áp lực lên lãi suất đồng VND). Ngoài ra, việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm tiếp tục gặp khó khăn, trong bối cảnh nhiều khách hàng có tâm lý e ngại không muốn tham gia Chương trình (vì quá trình thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của các cơ quan có thẩm quyền...). Hơn nữa, Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quy định điều kiện hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải “có khả năng phục hồi”, dẫn đến khó khăn cho cả TCTD và khách hàng trong việc xác định khả năng phục hồi của khách hàng.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới
Trong điều kiện khó khăn như đề cập ở trên, điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng cần tập trung đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; thực hiện mục tiêu bao trùm của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bám sát chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục phát huy tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trên cơ sở điều hành thận trọng, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để tập trung triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đề ra.
Cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai gồm:
Thứ nhất, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong, ngoài nước.
Thứ hai, tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, điều hành tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, không chủ quan với rủi ro lạm phát; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, mua, đầu tư TPDN của các TCTD; thường xuyên cảnh báo, chấn chỉnh TCTD đối với hoạt động này nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các giải pháp cơ cấu lại và phát triển thị trường tài chính và thị trường TPDN bền vững; thúc đẩy thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn chính của nền kinh tế.