Lãi vay giảm, ngân hàng đặt tham vọng tín dụng tăng cao


Tín dụng năm 2023 được dự báo không tăng trưởng nóng vì doanh nghiệp khó khăn, còn bất động sản - lĩnh vực hút nhiều vốn nhất, vẫn chưa thoát đáy. Dù vậy, nhiều ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao trong năm nay do tác động từ mặt bằng lãi vay đang giảm.

Hầu hết các ngân hàng đều đặt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với hạn mức ban đầu được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Hầu hết các ngân hàng đều đặt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với hạn mức ban đầu được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.

Giới phân tích cho rằng, mục tiêu quan trọng hơn cho năm nay là phải kiềm chế và giữ lãi suất ổn định để tránh gây bất ổn cho nền kinh tế và tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp và chi tiêu của hộ gia đình. 

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ

Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023 đã bắt đầu khởi động. Cho tới thời điểm hiện tại, 15 ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2023. Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng đều đặt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với hạn mức ban đầu được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nếu như ở khối ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietcombank, Vietinbank) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 10-13%, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của NHNN, thì một số ngân hàng thương mại cổ phần như: VPBank, VIB và HDBank đặt mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cho năm 2023.

Với VPBank, thương vụ phát hành riêng lẻ 15% gần đây với SMBC được dự báo sẽ cải thiện CAR của ngân hàng, thúc đẩy tăng tín dụng. Vì vậy, trong năm nay nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên đến 33%, cao hơn mức tăng trưởng năm ngoái là 28%.

Dù vậy, các chuyên gia công ty chứng khoán VNDirect, cho rằng kế hoạch tăng trưởng tín dụng khá tham vọng xét trong bối cảnh nhu cầu còn yếu và tỷ trọng tín dụng cao với nhóm bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng.

Tương tự, tại HDBank mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 24%. Tuy nhiên, HDBank được nhận định vẫn còn dư địa để đạt mức tăng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng quy mô nhờ tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, đồng thời CAR đạt 13,4% tại cuối 2022.

Còn tại VIB với chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ, ngân hàng này tự tin vào kế hoạch tín dụng năm nay đạt 25%.

Tại ĐHĐCĐ vừa được tổ chức tuần qua, HĐQT SHB đã đưa ra hai kịch bản kinh doanh cho năm 2023 dựa trên hai phương án tăng trưởng tín dụng. Theo đó, nếu hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay được cấp ở mức 10%, dự kiến lợi nhuận trước thuế cho cả năm của SHB sẽ là 10.285 tỷ đồng, tăng 6,15% so với năm trước.

Trong trường hợp ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao hơn (14%), mức lợi nhuận năm nay ngân hàng có thể đạt được là 10.626 tỷ đồng, tăng trưởng 9,67%.

Theo giới phân tích, tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong khi chi phí vốn lại tăng cao sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng năm nay.

Bên cạnh đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm gia tăng rủi ro nợ xấu, từ đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản và rủi ro tín dụng ngân hàng. Theo đó, sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ các nhà băng để có thể duy trì mục tiêu kép, vừa tăng trưởng mà vẫn đảm bảo chất lượng tài sản.

NHNN không còn áp lực phải mở rộng tín dụng?

Số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 3/2023 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2023 không cao so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại.

Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) vừa được VCCI công bố cho thấy, tiếp cận tín dụng là mối lo lớn nhất với tỷ lệ lên tới 55,6%, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021. Cùng với mối lo tiếp cận tín dụng tăng lên là tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây (năm 2017 là 49,4%, đến năm 2022 chỉ còn 17,8%).

Do tăng trưởng tín dụng được dự báo khó khăn, tăng trưởng kinh tế sẽ là thách thức, đầu tháng 4, NHNN giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 5%/năm, theo đó hàng loạt ngân hàng tung ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5 -1% để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023 của NHNN cũng cho biết, các ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,08 - 0,1 điểm % trong quý II/2023 và giảm 0,19 - 0,34% trong cả năm 2023. Cùng với lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, các ngân hàng kỳ vọng tín dụng tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023.

Năm 2023, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, cao hơn năm 2022, và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo với chính sách tài khóa đang được thúc đẩy mở rộng nhanh hơn, trong đó nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng, "chia lửa" phần nào với chính sách tiền tệ.

Vì vậy, NHNN có lẽ cũng không còn chịu quá nhiều áp lực phải mở rộng tín dụng quá mức để hỗ trợ tăng trưởng như giai đoạn trước. Thay vào đó, mục tiêu quan trọng hơn cho năm nay là phải kiềm chế và giữ lãi suất ổn định để tránh gây bất ổn cho nền kinh tế và tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp và chi tiêu của hộ gia đình.

"Từ những yếu tố trên, có khả năng những ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng quá cao trong năm nay sẽ khó hoàn thành được mục tiêu", một chuyên gia nhận định.

Theo Huyền Anh/vnbusiness