Khó dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay?


Theo chuyên gia, với những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, tín dụng trong năm 2023 sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-12%, thấp hơn so với định hướng mục tiêu tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo chuyên gia, với những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, tín dụng trong năm 2023 sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-12%, thấp hơn so với định hướng mục tiêu tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước.

Lạm phát cao hãm đà tín dụng

Trong một cuộc họp mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng mục tiêu cho năm 2023 là khoảng 14-15%. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới công bố, các chuyên gia Mirae Asset cho rằng, áp lực lạm phát cao sẽ phần nào kiềm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4,5%, điều chỉnh tăng 0,5 điểm % so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn, nhưng việc kiềm chế lạm phát cũng không đơn giản.

Chuyên gia của Mirae Asset lý giải, trong 12 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng liên tục từ 0,66% lên 5,21% vào tháng 1/2023. Việc tăng giá các nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như ngành như điện, giáo dục và xăng dầu làm tăng áp lực lạm phát. Nguồn tín dụng mới sẽ phần nào tăng thanh khoản của thị trường chung.

Tuy nhiên, sự suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do thay đổi môi trường lãi suất sẽ khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao.

Tỷ giá tạm thời ổn định nhưng rủi ro giảm giá đồng nội tệ theo chuyên gia, vẫn còn hiệu hữu do các đợt tăng lãi suất của Fed và nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt.

“Nhìn chung, dựa trên những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, chúng tôi dự phóng tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của NHNN”, các chuyên gia Mirae Asset nhận định.

Đối với riêng tín dụng cho ngành bất động sản (BĐS), theo cập nhật từ NHNN, đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng cho mảng này đạt 2,58 triệu tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ và chiếm 21,2% tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, 68% tín dụng BĐS là cho vay mua nhà và phần còn lại là cho vay các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến BĐS.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, một số nhà phát triển BĐS gặp khó khăn trong vấn đề tuân thủ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu. Mặc dù đa phần khoản vay của những doanh nghiệp này chưa bị ghi nhận là nợ xấu, nhưng khả năng không thể hoàn tất nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi vay của họ vẫn có thể xảy ra.

Hệ quả là không những nợ xấu của NHTM bị ảnh hưởng tiêu cực mà còn tạo ra gánh nặng trích lập không chỉ trong ngắn hạn. Tình trạng khó khăn của nhóm doanh nghiệp BĐS có thể dẫn đến chậm tiến độ thi công và hoàn thiện, gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến người mua nhà. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, không chỉ các ngân hàng có dư nợ cho vay doanh nghiệp BĐS lớn bị ảnh hưởng, mà các NHTM có danh mục bán lẻ cũng chịu một phần hệ quả.

Nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng

Về chất lượng tài sản, nợ xấu toàn hệ thống đã tăng đáng kể trong năm 2022 và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2023.

Theo số liệu của Mirae Asset, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết cuối năm 2022 đã tăng mạnh lên mức 2,5%, tăng 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Theo lý giải của chuyên gia, nợ xấu tăng cao trong năm 2022 một phần bị ảnh hưởng bởi dư nợ tái cơ cấu liên quan đến COVID-19. Tổng nợ quá hạn (bao gồm nợ nhóm 2) trung bình tăng 110 điểm cơ bản lên mức 3,3% vào cuối năm 2023.

Về mặt tích cực, dư nợ cho vay tái cơ cấu đã giảm đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

Ngoài ra, giả định về lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu.

Khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư BĐS có thể dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất/cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư dành cho người mua nhà. Do đó, nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính của họ, nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng.

Cũng theo Mirae Asset, tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro dẫn đến gián đoạn dòng tiền các nhà đầu tư BĐS, dẫn đến nợ xấu. Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các chủ đầu tư BĐS, là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới.

Theo Trần Thúy/nhipsongkinhdoanh.vn