Lại xuất hiện chiêu lừa “hợp tác điều tra” chiếm đoạt 500 triệu đồng

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Liên tiếp 2 phụ nữ vừa bị sập bẫy chiêu lừa thông báo nợ cước điện thoại rồi các đối tượng tự xưng là công an yêu cầu chuyển hàng trăm triệu đồng vào tài khoản của một người thứ 3 để “kiểm tra” nhưng thực chất là chiếm đoạt.

Một nhóm tham gia vào đường dây lừa đảo “hợp tác điều tra” bị công an bắt giữ. Nguồn: dantri.com.vn
Một nhóm tham gia vào đường dây lừa đảo “hợp tác điều tra” bị công an bắt giữ. Nguồn: dantri.com.vn

Ngày 28/3, bà Lê Thị T.N. (55 tuổi, ngụ quận 10) nhận được điện thoại từ một đối tượng tự xưng là Trung úy Nguyễn Hoàng Nam, công tác tại Công an TP. Hà Nội, thông báo bà N. đang nợ tiền cước điện thoại, hiện Công ty điện thoại đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra. Nếu bà N. không muốn bị điều tra thì chuyền tiền vào tài khoản tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) do Lê Thị Mỹ Hồng đứng tên.

Bị rơi vào “kịch bản” chuẩn bị khá kỹ lưỡng của bọn lừa đảo, nên chiều cùng ngày, bà N. đã chuyển 250 triệu đồng vào số tài khoản trên tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh 3/2, quận 10.

Cũng với chiêu thức tương tự, 8h sáng 29/3, chị Huỳnh Ngọc M.L (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên Công ty VNPT, thông báo nợ cước điện thoại 8 triệu đồng và cho biết, hiện đang bị Bộ Công an xác minh vì có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Nghe thông tin này chị L. hoảng hốt giải thích rằng mình không liên quan gì.

Đối tượng ở đầu dây bên kia liền yêu cầu chị L. chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản mang tên Trịnh Thành Trung tại ngân hàng Teccombank để xác minh, làm rõ.

Đến khi phát hiện nhiều điểm nghi vấn và biết mình bị lừa, cả hai nạn nhân trên đã đến cơ quan công an trình báo.

Đây không phải là lần đầu xảy kiểu lừa đảo như vậy. Trước đó, vào chiều 14/2, công an quận Tân Bình nhận được đơn tố cáo của bà B.T.H. (ngụ quận Tân Bình) về việc bị một người đàn ông gọi điện thoại đến xưng là cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh, người này cho biết đang thụ lý một đường dây ma túy xuyên quốc gia, quá trình điều tra vụ án cho thấy bà H. có liên quan đến đường dây này với vai trò là người rửa tiền. Toàn bộ tài sản của bà H. có trong ngân hàng là do phạm tội mà có nên yêu cầu bà này chuyển 400 triệu đồng để “hợp tác điều tra”. Theo đó, đối tượng này yêu cầu bà H. chuyển số tiền trên vào tài khoản của người nhận tên Nguyễn Văn Đông.

Cùng ngày, công an quận Tân Bình tiếp tục nhận đơn trình báo của bà N.T.P. (ngụ phường 4, quận Tân Bình) trình báo việc mình bị lừa 300 triệu đồng. Cụ thể, bà P. đã bị một người gọi điện thoại đến nhà thông báo việc bà nợ hai tháng cước điện thoại, tiếp đó, một người xưng là trực ban Công an TP. Hà Nội khẳng định chồng bà P. có liên quan đến đường dây rửa tiền và buôn bán ma túy. Sau đó, một số đối tượng khác gọi điện thoại đến yêu cầu bà P. chuyển 300 triệu đồng vào hai tài khoản Ngân hàng ACB mang tên Nguyễn Thị Bích Nhi và Trần Thị Mỹ Hoa để “hợp tác điều tra” nếu chồng bà P. không liên quan đến “vụ án” sẽ được hoàn trả.

Qua điều tra, sử dụng biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Tân Bình đã truy bắt được Hoàng Thanh Trung (35 tuổi, ngụ phường 12, quận Tân Bình) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến vụ án này, công an quận Tân Bình cũng đã bắt khẩn cấp 4 đồng phạm của Trung gồm: Trần Thị Hồng Phụng, Nguyễn Tấn Phúc, Trương Văn Giàu (cùng tạm trú quận Tân Phú) và Lê Thị Tố Chi (trú huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), đồng thời thu giữ nhiều điện thoại, SIM điện thoại, thẻ ngân hàng,…

Tại cơ quan điều tra, Hoàng Thanh Trung khai báo, bản thân vốn làm nghề chạy xe ôm. Năm 2013, Trung vô tình chở một người khách tên Cường (không rõ lai lịch) và được đề nghị tìm thuê những người dùng chứng minh thư giả đến các ngân hàng làm thẻ tín dụng thanh toán được ở nước ngoài, định mức giao dịch mỗi ngày hàng trăm triệu đồng. Sau khi hoàn thành, mỗi thẻ ATM Trung được Cường mua giá 1,2 triệu đồng. Thỏa thuận xong, Trung tìm thêm Phúc, Chi, Phụng, Giàu cùng tham gia. Chỉ trong 1 năm, Trung cùng đồng bọn đã làm giả hơn 40 thẻ tín dụng giả.

Mở rộng điều tra, công an quận Tân Bình xác định, trường hợp của bà H. và bà P. bị lừa đảo, tiền chuyển vào tài khoản được lập từ chứng minh thư với tên của người khác nhưng dán ảnh của Trần Thị Hồng Phụng. Số tiền trên ngay khi chuyển vào ngân hàng thì được rút ra bởi một địa chỉ tại Đài Loan.