Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi

Theo dangcongsan.vn

Hiện nay, chăn nuôi của tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả nổi trội, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Bước sang năm 2023, địa phương phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt từ 5,5-6%.

 Lâm Đồng phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt từ 5,5-6% trong năm 2023.
Lâm Đồng phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt từ 5,5-6% trong năm 2023.

19 chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi hoạt động hiệu quả

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh đã từng bước phát triển, khẳng định được vị trí và đóng vai trò quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Nhìn chung, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đàn lợn có xu hướng tăng do người chăn nuôi đầu tư tái đàn để chuẩn bị sản phẩm cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Đàn bò thịt, gia cầm ổn định, đàn bò sữa giảm nhẹ do một số cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ giảm đàn, chuyển đổi ngành nghề, sản xuất dâu tằm phát triển tốt.

Chất lượng đàn vật nuôi được nâng cao, tỷ lệ đàn bò sữa thuần đạt trên 90%, tỷ lệ đàn bò lai đạt trên 78% tổng đàn, tỷ lệ giống heo ngoại và heo lai đạt trên 95%. Trong cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành chăn nuôi, đàn trâu bò chiếm 16%, đàn lợn chiếm 36%, đàn gia cầm chiếm 36% và chăn nuôi động vật khác chiếm 12%.

Các đối tượng vật nuôi chính chủ lực của tỉnh là bò sữa, bò thịt cao sản, lợn, gia cầm, tằm. Ngành chăn nuôi đã từng bước chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi, lợn, gà thịt, gà trứng hoạt động hiệu quả.

Trong năm 2021, phát triển quy mô đàn gia súc toàn tỉnh tăng 15,2%, sản phẩm chăn nuôi tăng 18,4% so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh đạt 6,59%; tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đạt 17,5%.

Tính đến hết tháng 8/2022, ước đàn lợn của tỉnh đạt 445.111 con, tăng 6% so cùng kỳ, đàn gia cầm đạt 9.982 nghìn con, bằng 100% so cùng kỳ,…Ước tổng sản phẩm thịt hơi các loại đạt khoảng 85.889 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ, trứng gia cầm 291.091 ngàn quả, tăng 1,4% so cùng kỳ; kén tằm 10.267 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.358 trang trại chăn nuôi, trong đó có 81 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 405 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 872 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và khoảng 28.248 hộ chăn nuôi. Tỷ lệ gia súc, gia cầm chăn nuôi trong các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và vừa chiếm khoảng 37% tổng đàn, chăn nuôi quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ khoảng 63% tổng đàn.

Đáng chú ý, toàn tỉnh hiện có 19 chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi hoạt động có hiệu quả, góp phần giúp ngành chăn nuôi ổn định (4 chuỗi bò sữa, 2 chuỗi bò thịt, 3 chuỗi gia cầm, 4 chuỗi lợn, 2 chuỗi kén tằm, 2 chuỗi mật ong,…).

Về tình hình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, có trên 95% sản lượng sữa tươi được thu mua thông qua hợp đồng giữa hộ dân chăn nuôi bò sữa và các doanh nghiệp thu mua mua sữa trên địa bàn. Khoảng 50% sản lượng thịt hơi các loại được xuất bán đi các tỉnh lân cận, còn lại phục vụ nhu cầu thực phẩm trong tỉnh; trên 95% sản lượng kén tằm được thu mua phục vụ hoạt động các nhà máy sản xuất tơ tằm trên địa bàn tỉnh; trên 90% sản lượng mật ong được xuất khẩu sang thị trường Châu Mỹ, Châu Âu, Trung Đông.

Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 5,5-6% trong năm 2023

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua, do giá cả các sản phẩm chăn nuôi trong cả nước có những biến động, có thời điểm giá cả thịt lợn xuống dưới giá thành, thời gian giảm giá kéo dài đã gây khó khăn cho chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là người chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp, trong khi đó, giá lợn hơi, gia cầm thịt, sữa tươi không tăng tương ứng.

Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại nhiều địa phương trong cả nước có những diễn biến phức tạp, một số bệnh nguy hiểm mới xuất hiện chưa được kiểm soát, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và tái đầu tư phát triển chăn nuôi của tỉnh. Riêng ngành dâu tằm, hiện chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm, phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu; công tác nhập khẩu trứng giống tằm theo đường chính ngạch chưa được thực hiện, công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng để phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi cùng với việc khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Đây chính là những thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành chăn nuôi Lâm Đồng hiện nay.

Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, bước sang năm 2023, địa phương phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 5,5-6%, duy trì và nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đạt trên 18%; phát triển tăng quy mô đàn và sản lượng đạt và vượt kế hoạch giao. Cụ thể, đàn gia súc tăng 6,2%, đàn gia cầm tăng 4%, đàn tằm tăng 5%, sản lượng thịt hơi các loại tăng 6,1%, trứng gia cầm tăng 3%, sữa tươi tăng 6,7% và kén tằm tăng 5% so với năm 2022.

Địa phương cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đàn bò đạt 140.000 con (trong đó đàn bò sữa 35.000 con); đàn trâu đạt khoảng 14.000 con, đàn lợn đạt 580.000 con, đàn gia cầm 13 triệu con; tổng sản lượng thịt hơi đạt khoảng 148.000 tấn.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, đàn bò đạt 180.000 con (trong đó đàn bò sữa 48.000 con), đàn trâu đạt khoảng 15.000 con, phát triển đàn lợn khoảng 840.000 con, đàn gia cầm 15 triệu con; tổng sản lượng thịt hơi đạt khoảng 196.000 tấn. Trong đó, sản lượng thịt lợn 157.000 tấn, thịt gia cầm 26.000 tấn, thịt trâu bò 32.000 tấn; sản lượng trứng đạt 540 triệu quả, kén tằm 18.000 tấn, sữa tươi 195.000 tấn.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển chăn nuôi của địa phương trong thời gian tới, Lâm Đồng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo, tăng cường công tác nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất trứng giống tằm đảm bảo chất lượng để chuyển giao cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu, hạn chế vào việc phụ thuộc vào nguồn trứng giống nhập khẩu,…/.