Xuất khẩu - Con đường tất yếu của nông sản Lâm Đồng
Để không mãi phải quanh quẩn ở “vườn nhà”, làm giảm đi giá trị (cả vật chất lẫn tinh thần) của chính những người nông dân, hàng hóa nông sản Lâm Đồng cần phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu, đó là con đường tất yếu.
Bà Đỗ Phương Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á (Bộ Công Thương) cho rằng: “Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp Lâm Đồng cần phải cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh; quy trình sản xuất, chế biến bài bản, chuyên nghiệp, đúng quy định và bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực, quốc tế. Không những thế, cần phải có bản lĩnh kinh doanh, dám đương đầu với hội nhập để vươn xa, vươn rộng ra các thị trường lớn. Làm được điều đó, các doanh nghiệp Lâm Đồng mới hình thành được các sản phẩm, thương hiệu có uy tín, danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới”.
“Trong quá trình theo dõi hợp tác thương mại song phương với các nước trong khu vực, các doanh nghiệp Lâm Đồng cũng như nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác còn thiếu rất nhiều thông tin về các đối tác thương mại, nhu cầu, thị hiếu, dung lượng thị trường, các chính sách thương mại và quy định xuất nhập khẩu, các cơ hội giao thương”, bà Dung chia sẻ với các doanh nghiệp Lâm Đồng.
Những thông tin được cung cấp từ Vụ Thị trường (Bộ Công thương) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Malaysia đều cho thấy Lâm Đồng có rất nhiều tiềm năng và triển vọng để hợp tác thương mại. Bởi hai quốc gia trên dù có thị trường lớn, mở nhưng tất cả các mặt hàng của Lâm Đồng đều có tính bổ sung mà không đem đến sự cạnh tranh, thêm vào đó, dư địa của thị trường còn lớn, đặc biệt là ở nhóm hàng thực phẩm nông sản.
Sản phẩm của Đà Lạt - Lâm Đồng cũng dần được biết đến nhiều hơn thông qua con đường giao lưu kinh tế, đầu tư và du lịch; có sự thay đổi ngày càng lớn về chất lượng sản phẩm, giá cả cũng như sự phong phú về chủng loại. Đây chính là cơ hội lớn nhất để nông sản Lâm Đồng có thể vươn xa trong tương lai gần.
Ở mức độ lớn hơn, trong khối ASEAN, Việt Nam và Singapore cũng là hai nước đã cùng ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) với Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh. Singapore cũng là quốc gia quan tâm thúc đẩy các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do (nguyên tắc xuất xứ cộng gộp) để xuất khẩu và hợp tác sản xuất.
Cụ thể là tiềm năng kết nối sản xuất, hợp tác gia công OEM cho các thương hiệu Singapore, sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam (cụ thể là ở Lâm Đồng) cho Singapore để xuất khẩu đi thị trường các nước thứ 3.
Bà Nguyễn Thi Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Hân Vinh (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) cho biết: “Với kinh nghiệm 20 năm sản xuất và chế biến cà phê, xuất khẩu cũng như tiêu thụ ở thị trường trong nước, chúng tôi chỉ mong muốn nâng cao giá trị của hạt cà phê Lâm Đồng, qua đó đề cao giá trị lao động của người nông dân cũng như đem đặc sản cà phê của địa phương ra thị trường quốc tế”.
Mong ước của bà Vinh cũng là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ước mơ đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Lâm Đồng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, thiết kế bao bì, hướng dẫn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm (Halal, ISO, VietGAP, Global GAP), nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Ông Vincent Cheong - Giám đốc Công ty Rakan Asia đánh giá rất cao các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng và nếu như các doanh nghiệp Lâm Đồng cần sự hỗ trợ để có thể tìm đến thị trường Malaysia, Singapore và các nước khác, công ty ông sẵn sàng đón nhận sự hợp tác với sự giúp đỡ tốt nhất có thể.
Còn theo ông Lee Sean Teng - Giám đốc Sàn giao dịch Singapore thì các doanh nghiệp Lâm Đồng muốn vươn xa cần phải xâm nhập thị trường qua thương mại điện tử. Singapore là một đất nước có nhiều sàn giao dịch điện tử cũng như sự sẵn có của các kênh thanh toán điện tử và dịch vụ logistic. Chúng tôi cũng sẵn sàng giúp cho doanh nghiệp Lâm Đồng có thể dễ dàng kết nối với thị trường về hạ tầng pháp lý, quản trị chất lượng, hạ tầng IT, logistic dịch vụ.
Hàng hóa Lâm Đồng cần phải được xuất khẩu. Bởi nó không chỉ thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm với môi trường của những người sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng. Điều này còn thể hiện sự quyết tâm vươn lên, nhằm khẳng định thương hiệu nông sản của Lâm Đồng với thị trường quốc tế, qua đó giúp cho giá trị nông sản của mảnh đất này phải từng ngày, từng giờ tương xứng với từng giọt mồ hôi mà người dân nơi đây đã đổ xuống.