Làm gì để thúc đẩy năng suất lao động tổng thể của nền kinh tế trong bối cảnh số hóa?

PV.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu, Việt Nam trở thành một trong 70 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử; trong nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh; trong nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Đồng thời, năng suất lao động (NSLĐ) trong nền kinh tế được duy trì mức tăng bình quân tối thiểu là 7%/năm. Vậy Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu này?

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Gia tăng NSLĐ và chuyển đổi mô hình kinh tế là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam 10 năm tới. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu: Việt Nam trở thành một trong 70 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử; trong nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh; trong nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Đồng thời, NSLĐ trong nền kinh tế được duy trì mức tăng bình quân tối thiểu là 7%/năm.

Nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ tổng thể của nền kinh tế trong trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều chuyên gia cho rằng cần đặc biệt chú trọng đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số bởi con người là nền tảng thành công của quá trình chuyển đổi. Chính phủ cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực số, thực hiện phân luồng lao động từ cấp trung học phổ thông. Người lao động cần được trang bị nền tảng công nghệ và những kỹ năng mới để thích ứng với chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, gia tăng NSLĐ ngành công nghiệp chế tạo, đặc biệt là chế tạo các sản phẩm công nghệ trung và cao cấp. Với tiềm năng tăng trưởng của thị trường công nghệ và những thế mạnh hiện có của Việt Nam trong chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ, thúc đẩy NSLĐ là nhân tố then chốt để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, khi NSLĐ của ngành công nghiệp chế tạo được cải thiện, sẽ tạo hiệu ứng lan toả đến các ngành kinh tế khác, giúp nâng mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần tái cơ cấu phân bổ nguồn lực giữa các khu vực kinh tế, thúc đẩy NSLĐ của DN tư nhân và DN nhà nước, gia tăng hiệu ứng lan toả công nghệ và quản trị từ DN FDI đến toàn nền kinh tế. Chính phủ cần xây dựng và triển khai những chương trình hỗ trợ thiết thực dành cho các DN tư nhân, đặc biệt là hỗ trợ về vốn và đào tạo nhân lực.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, để thực hiện thành công mục tiêu giai đoạn 2021-2025, dòng vốn tín dụng cho DN tư nhân trong ngắn hạn cũng như dài hạn cần được khơi thông. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tốc độ cổ phần hoá DN nhà nước và thoái vốn nhà nước tại DN, giảm bớt những ưu đãi riêng có của DN nhà nước, xây dựng một sân chơi bình đẳng cho các loại hình DN. Đối với dòng vốn FDI, thu hút vốn đầu tư có chọn lọc, tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư vào công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh thay vì chỉ chú trọng đến yếu tố quy mô.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh số hoá ngành Nông nghiệp, gia tăng mức đóng góp của yếu tố công nghệ và quản trị vào NSLĐ ngành Nông nghiệp. Số hoá ngành Nông nghiệp nên được thực hiện cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới.