Làm gì để thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển?
Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư…
Vẫn nhiều thách thức
Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà các nước trên thế giới và Việt Nam đều chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Tại Diễn đàn Tài chính xanh năm 2024 do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều ngày 22/7, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, phát triển tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Theo đó, hiện nay chúng ta chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh như: quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…
Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế. Việt Nam cũng đang thiếu các cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh như ưu đãi thuế, phí; về hạn mức tín dụng; về lãi suất...
Chuyên gia này cũng cho rằng, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài, có thể lên đến 20 năm, chi phí đầu tư lớn... trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn.
Ngoài ra, nhận thức của thị trường đối với Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG), tài chính xanh và bền vững chưa cao, chưa đồng đều; nhiều công ty niêm yết chưa có sự chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.
Cùng quan điểm, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cũng cho rằng, thách thức phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam là khung pháp lý, hiện đang được hoàn thiện. Doanh nghiệp chưa nắm bắt được lợi ích dài hạn của phát triển bền vững và hạn chế kiến thức về tài chính xanh.
Các cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành sản phẩm tài chính xanh và nhà đầu tư sản phẩm tài chính xanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu sự tham gia tích cực của các bên cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập trước và sau phát hành.
Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, khó khăn thách thức hiện nay là quy định về phân loại xanh của Việt Nam chưa được ban hành. Nhận thức của thị trường đối với trái phiếu xanh chưa đồng đều. Sự tự nguyện thực hiện chuyển đổi xanh của doanh nghiệp hạn chế; chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh…
Giải pháp thị trường tài chính xanh
Đề cập tới giải pháp cho phát triển tài chính xanh, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần xây dựng Quỹ tái cấp vốn, gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi; tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh; có sản phẩm, dịch vụ phù hợp đối với các lĩnh vực khác nhau; tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo cán bộ về những lĩnh vực như ESG, năng lượng tái tạo, sản xuất - tiêu dùng xanh...
Ông Vũ Chí Dũng cho rằng, cần thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh; nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số VNSI để phù hợp hơn với bối cảnh phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán hiện nay…
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, khung pháp lý cần sớm ban hành quy định phân loại, xác nhận dự án xanh, xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Cần ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực về môi trường; xây dựng hệ thống dữ liệu về môi trường.
Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh; duy trì, mở rộng các cơ chế hỗ trợ chi phí phát hành, tư vấn kỹ thuật; khuyến khích các doanh nghiệp đầu ngành tiên phong phát hành sản phẩm tài chính xanh.
Ông Nguyễn Bá Sơn lưu ý, doanh nghiệp nên xây dựng tổng thể chiến lược chuyển đổi xanh, trong có xác lập kế hoạch phát hành trái phiếu ESG. Đồng thời, tìm kiếm các kênh hỗ trợ, tư vấn từ các tổ chức trong nước, quốc tế có kinh nghiệm.