Lạm phát Mỹ cao nhất 30 năm, nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu
Giá cả phần lớn các loại mặt hàng đều tăng, chi phí sử dụng ô tô mới và cũ, chi phí năng lượng, nội thất, thuê nhà và chăm sóc y tế đồng loạt tăng, theo Bộ Lao động Mỹ công bố.
Lạm phát tại Mỹ tháng 10 lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ. Giá cả tiêu dùng của nhiều loại mặt hàng mà người Mỹ phải chi trả, từ rau cho đến ô tô, tăng rất mạnh bởi tình trạng thiếu nguồn cung dai dẳng và nhu cầu tiêu dùng mạnh.
Theo Wall Street Journal, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số đo lường mức chi phí mà người tiêu dùng chi trả đối với mọi loại mặt hàng dịch vụ hàng hóa, trong tháng 10 tăng đến 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trong 12 tháng cao nhất tính từ năm 1990 và như vậy đây là tháng thứ 5 liên tiếp lạm phát Mỹ ở trên mức 5%.
Chỉ số giá tiêu dùng lõi, chỉ số loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,6% trong tháng 10, cao hơn mức tăng 4% của tháng 9 và như vậy ghi nhận mức tăng cao nhất tính từ năm 1991.
Còn tính theo tháng, chỉ số CPI tháng 10 tăng 0,9% so với tháng liền trước, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng như vậy cao hơn đáng kể so với mức tăng của tháng trước đó và tương đương mức tăng 0,9% của tháng 6.
Giá cả phần lớn các loại mặt hàng đều tăng, chi phí sử dụng ô tô mới và cũ, chi phí năng lượng, nội thất, thuê nhà và chăm sóc y tế đồng loạt tăng, theo Bộ Lao động Mỹ công bố. Giá thực phẩm và đồ ăn thức uống cũng lên mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Giá vé máy bay và đồ uống có cồn tăng.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng khi một số nhà đầu tư đón nhận thông tin về áp lực giá cả tăng lên kinh tế toàn cầu.
Lạm phát cao dai dẳng, nguyên nhân chính do tình trạng kinh tế tăng trưởng cao hơn kỳ vọng nhưng không ổn định, hàng nghìn tỷ USD các gói kích cầu của chính phủ và nhiều yếu tố khác, đang ảnh hưởng tiêu cực đến túi tiền của người tiêu dùng. Cùng lúc đó, việc kinh tế toàn cầu hồi phục và bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình ổn định cũng đang tạo ra việc nhu cầu hồi phục cũng như giá cả tiêu dùng tăng.
Lạm phát tăng vọt đang khiến cho chiến lược rút bớt đi chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed gặp khó. Đồng thời nó cũng đang trở thành vấn đề chính trị mà chính quyền Joe Biden phải đối mặt.
Thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm trong ngày thứ Tư sau khi thông tin mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng gần nhất tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm, lợi suất trái phiếu vì vậy tăng rất mạnh.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 240 điểm tương đương 0,7% xuống 36.079,9 điểm; chỉ số S&P 500 mất 0,8% giá trị xuống còn 4.646,7 điểm; chỉ số Nasdaq giảm gần 1,7% xuống còn 15.622,7 điểm.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm, sau khi giảm trong nhiều tuần trở lại đây, tăng khoảng 11 điểm cơ bản trong ngày thứ Tư. Khi mà lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng, nhà đầu tư lập tức bán mạnh cổ phiếu công nghệ và mua vào nhiều cổ phiếu ngân hàng. Đồng thời họ cũng tìm đến “trú ẩn” tại vàng và bitcoin.