Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu lập kỷ lục mới 4 tháng liên tiếp

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Nga hiện đang chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của EU, một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho khối này. Nga đồng thời cung cấp khoảng 25% dầu vào EU.

Ảnh: CEPS
Ảnh: CEPS

Tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng lên ngưỡng cao mới trong tháng 2/2022, như vậy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện đang đương đầu với lựa chọn khó khăn giữa việc hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời hạn chế giá cả tăng nhanh đang chịu tác động bởi nguồn cung năng lượng hạn chế sau khi Nga tấn công quân sự Ukraina.

Theo WSJ, Nga hiện đang chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của EU, một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho khối này. Nga đồng thời cung cấp khoảng 25% dầu vào EU. Dù rằng nguồn cung dầu và khí đốt vẫn tiếp tục chuyển từ Nga sang châu Âu, giá cả thị trường đã tăng lên bởi nó phản ánh nỗi lo về mức độ sẵn có trong tương lai.

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) nói rằng chỉ số giá tiêu dùng tại châu Âu tháng 2/2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mức tăng 5,1% vào tháng 1/2022. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lạm phát châu Âu lập kỷ lục mới, và chắc chắn sẽ không phải tháng cuối cùng.

“Cuộc chiến tại Ukraina sẽ khiến cho áp lực lạm phát tăng cao. Tác động lớn nhất sẽ được thể hiện qua giá khí đốt và dầu, giá cả hai loại năng lượng này sẽ tăng cao trong thời gian dài hơn so với kỳ vọng. Bất kỳ yếu tố gián đoạn nào với nguồn cung khí đốt từ Nga vẫn sẽ khiến cho giá tăng mạnh hơn”, theo chuyên gia kinh tế tại Capital Economics – ông Andrew Kenningham.

Phần lớn yếu tố đẩy lạm phát tăng lên chủ yếu có nguyên nhân từ giá năng lượng tăng, giá năng lượng hiện cao hơn 31,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 28% của tháng 1/2022. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của lạm phát tính từ năm 1997 đến nay.

Khi tính toán kế hoạch chính sách cho năm 2022, các nhà hoạch định chính sách tại ECB đã kỳ vọng vào việc giá năng lượng giảm đi, nhu cầu đối với nhiên liệu đốt nóng mùa đông hạ nhiệt từ thời điểm cuối tháng này, nhờ vậy lạm phát châu Âu sẽ đảo chiều và trở lại ngưỡng 2% vào thời điểm cuối năm nay.

Tuy nhiên, ban đầu là mối đe dọa, sau đó đến việc Nga thực sự tấn công quân sự Ukraina đã dập tắt những hy vọng trên. Các chuyên gia kinh tế tại Capital Economics dự báo tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm sẽ khoảng hơn 6% trong tháng này và sẽ vẫn trên 5% cho tới 3 tháng cuối cùng trong năm.

Các chuyên gia thuộc JP Morgan cho biết họ dự báo lạm phát hàng năm trong năm 2022 ước tính cao hơn khoảng điểm phần trăm so với mức 5% trước khi Nga tấn công vào Ukraina, dự báo lạm phát của ECB cho năm nay ước tính 3,2%, cao hơn ngưỡng mục tiêu 2%.

Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế ước tính sẽ thấp hơn so với kỳ vọng của ECB. JP Morgan dự báo kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ trì trệ trong 3 tháng tính đến tháng 3/2022.

ECB hiện đang đương đầu với tình thế tiến thoái lưỡng nan. ECB có thể xử lý lạm phát bằng cách thu hẹp chương trình mua trái phiếu và dọn đường cho việc nâng lãi suất chủ chốt trong năm nay hoặc đầu năm sau. Thế nhưng động thái đó có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và khiến cho lạm phát rơi xuống dưới ngưỡng mục tiêu trong năm tới.

ECB cũng có thể duy trì biện pháp kích cầu và chấp nhận khoảng thời gian lạm phát cao nhằm bảo vệ cho nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến tại châu Âu đang căng thẳng. Thế nhưng điều đó cũng có thể khiến cho những người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn so với trong những thập kỷ vừa qua. Mức lương cao đồng thời cũng có thể tạo ra một đợt giá cả tăng mạnh khi mà các doanh nghiệp cố gắng bù đắp cho chi phí cao của mình.

Tuy nhiên, hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy người lao động đang được tăng lương. Số liệu từ Cơ quan Thống kê Đức cho biết mức lương mà các nghiệp đoàn lao động hoặc các nhóm tương tự đàm phán được chỉ tăng 1,1% trong vòng 3 tháng tính đến hết tháng 12/2021.