Làm rõ nguyên nhân khó hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế
Thẩm tra về tình hình giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%) vì đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan tới cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, năng suất lao động, phát triển thị trường tài chính, thị trường đất đai, khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp, lao động.
Tiếp tục Phiên họp thứ 27, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về Kết quả đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 dự kiến hoàn thành 10/27 mục tiêu
Trình bày Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát; cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được củng cố; bội chi giai đoạn 03 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép…
Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực; năng lực cạnh tranh được cải thiện. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả tốt. Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá một số vấn đề: Cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; Chất lượng thu ngân sách còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững; Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn; Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch.
Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Các doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, các bon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường...
Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tính bất định cao; dự kiến hoàn thành 10/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 37%).
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá một số vấn đề. Cụ thể là nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển; trong đó còn 36,3% số nhiệm vụ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai thực hiện.
Đồng thời, bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%) vì đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan tới cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, năng suất lao động, phát triển thị trường tài chính, thị trường đất đai, khoa học và công nghệ, phát triển doanh nghiệp, lao động. Bên cạnh đó, làm rõ tác động của việc dự kiến không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Việc thực hiện cơ cấu lại đầu tư công cũng bộc lộ một số bất cập, tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao; chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công đến năm 2025. Mặc dù tiến độ thu ngân sách nhà nước về tổng thể đạt khá, song chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất, dầu thô, xổ số, đây là những khoản thu không ổn định, bền vững...
Về phát triển lực lượng doanh nghiệp, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn rất chậm, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước; có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế...
Đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 là một nhiệm vụ khó
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5%-7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh cần tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý việc tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật; tiếp tục nâng cao năng lực theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành dự toán. Tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực giám sát và quản trị rủi ro hệ thống.
Đồng thời triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém. Thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đặc biệt lưu ý đến nội dung dứt điểm hoàn thành cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập; quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng...