Doanh nghiệp cần làm gì trước biến động thuế quan của Mỹ?
Theo TS. Scott McDonald - giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, những doanh nghiệp biết xây dựng các chiến lược cân bằng – kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận – sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng cao với hàng hoá từ Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, việc Mỹ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam từ 9/4/2025 sẽ tác động thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?
TS. Scott McDonald: Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, mức thuế quan mới đặt ra thách thức rất rõ ràng. Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sớm phải đối mặt với bất lợi do giá cao hơn so với hàng hóa nội địa của Mỹ hoặc các sản phẩm từ các quốc gia chịu thuế quan thấp hơn.
Các ngành công nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm điện tử, dệt may, đồ nội thất, giày dép và thủy hải sản – những ngành đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam.
Phóng viên: Các doanh nghiệp cần làm gì ngay lúc này để thích ứng, thưa ông?
TS. Scott McDonald: Trước những ảnh hưởng như trên, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này.
Các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng.
Doanh nghiệp có thể tận dụng các khuôn khổ thương mại hiện có như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) với quyền được ưu tiên tiếp cận các thị trường như Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand; EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) cung cấp các khoản giảm và miễn thuế quan cho nhiều sản phẩm của Việt Nam khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu; RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại với các nước láng giềng ASEAN và các thị trường châu Á khác, UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen) duy trì quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Anh…
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đánh giá liệu sản phẩm của họ có thể được phân loại lại theo các mã thuế quan khác, hoặc có thể điều chỉnh nguồn cung ứng linh kiện để giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ hay không.
Doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu và thiết lập quan hệ đối tác sản xuất ở các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn hoặc được miễn khỏi khuôn khổ thuế quan mới. Như thông báo của chính quyền ông Trump, Canada và Mexico sẽ tránh được các mức thuế mới do có sắc lệnh riêng. Điều này mở ra cơ hội tiềm năng về hợp tác chiến lược về sản xuất với các nước này.
Phóng viên: Ông có lời khuyên nào về chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp?
TS. Scott McDonald: Áp lực thuế quan chính là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cấp mô hình kinh doanh, phải lập các kế hoạch tài chính trong chiến lược dài hạn, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến việc quản lý dòng tiền trong giai đoạn điều chỉnh chính sách thương mại hiện nay.
Những doanh nghiệp biết xây dựng các chiến lược cân bằng – kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận – sẽ có khả năng điều hướng giai đoạn này thành công hơn so với những doanh nghiệp chỉ tập trung duy trì các cách tiếp cận thị trường Mỹ hiện tại bất kể chi phí thuế quan mới.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang phản ứng với những thay đổi chính sách quan trọng này, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với cả thách thức lẫn cơ hội để chứng minh khả năng phục hồi và thích ứng, vốn đã định hình sự phát triển kinh tế của đất nước trong những thập kỷ gần đây.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!