Linh hoạt điều hành, tiếp tục tạo đột phá về thương mại, công nghiệp
Chiều 4/4, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2025 để thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 3 tháng đầu năm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo.
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2025, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng liên kết mới trên thế giới, chiến tranh thương mại, phân tách chuỗi cung ứng, trừng phạt về kinh tế, chạy đua về khoa học công nghệ ngày càng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động. Đặc biệt, Bộ Công Thương bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Với sự vào cuộc của toàn Ngành, trong quý I/2025 hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại phát triển tích cực, tạo đột phá mới.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng này, dự báo quý I/2025 chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục có sự cải thiện và duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở đà tăng trưởng.
Theo báo cáo mới nhất của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam vào cuối quý I/2025 đã có sự cải thiện.

Theo đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt mức trên ngưỡng 50 điểm, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây (đạt 50,5 điểm, tăng nhẹ so với 49,2 điểm trong tháng 2).
Cùng với sự cải thiện trong hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu.
“Kết quả trên cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc, với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh”, ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh và cho biết, cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong quý I/2025, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29 tỷ USD, ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (ước đạt 73,8 tỷ USD), cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao. Không những vậy, xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, thủy sản và công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, ước đạt mức hai con số so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, trong quý I/2025, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công Thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản quý I/2025 tăng 7,9%).