Làm rõ về triển khai cơ chế hải quan một cửa

PV.

Đến nay, về mặt số lượng, các thủ tục hành chính đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia mới đạt gần 30% so với tổng số thủ tục hành chính. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến năm 2018 tất cả các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động XNK, XNC của các Bộ, ngành phải được thực hiện thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia ở cấp độ 4. Đó là thông tin được Bộ Tài chính vừa đưa ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vừa qua, trong các ngày 16, 17 tháng 3/2016, một số báo đăng thông tin buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nội dung phản ánh đến việc thực hiện cơ chế hải quan một cửa đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (mặt hàng thép nhập khẩu) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tài chính.

Nhằm làm rõ thông tin về vấn đề này, thực hiện thông tin kịp thời, chính xác tới xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, đồng thời phát đi thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí để phản hồi và làm rõ về nội dung liên quan đến thực hiện cơ chế hải quan một cửa thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, cơ chế một cửa quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) chủ trì và được chính thức triển khai từ cuối năm 2014 và tới thời điểm hiện tại đã có 09 Bộ, ngành tham gia kết nối bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế.

Cơ chế một cửa quốc gia theo quy định tại Luật Hải quan 2014 và các điều ước quốc tế là việc trao đổi thông tin, chứng từ điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu/quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh nhập cảnh/quá cảnh (sau đây gọi tắt là thủ tục hành chính) với mục đích cuối cùng là thông quan cho hàng hóa và phương tiện vận tải. Trong đó, thủ tục hải quan đã được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử trên phạm vi toàn quốc, trừ một số trường hợp đặc thù (chiếm tỷ lệ không quá 2% trên tổng số các lô hàng xuất khẩu/nhập khẩu). Việc xử lý hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính khác (như kiểm tra/kiểm nghiệm hàng hóa, phương tiện) theo quy định quản lý chuyên ngành do các Bộ, ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kết quả đó được kết nối (online) với một cửa Quốc gia.

Bộ Tài chính khẳng đinh, kết quả thực hiện đến nay, về mặt số lượng, các thủ tục hành chính đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia mới đạt gần 30% so với tổng số thủ tục hành chính. Trong lĩnh vực quản lý hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu/quá cảnh, đối với các Bộ, ngành đã kết nối, tạm đánh giá, Bộ triển khai nhiều thủ tục nhất (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 8 thủ tục) đạt khoảng 40% trên số lượng các thủ tục do Bộ chủ quản cần phải đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia.

Đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giao thông vận tải hiện mới chỉ triển khai cho tàu biển đối với 08/25 cảng vụ hàng hải, việc triển khai cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa vào/ra cảng biển mới chính thức triển khai từ 01/3/2016. Cho đến nay, thủ tục đối với tàu thuyền ra/vào cảng thủy nội địa; thủ tục cho phương tiện vận tải và hàng hóa chuyên chở trên phương tiện vận tải xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh qua đường bộ, đường hàng không, đường sắt; thủ tục cấp phép cho phương tiện vận tải quá cảnh theo hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và một số nước láng giềng có chung biên giới đường bộ (Ví dụ: Lào, Campuchia) vẫn chưa được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Để tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 19/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 36a/2015/NQ-CP về chính phủ điện tử nhằm đưa toàn bộ các dịch vụ công chủ yếu tác động đến doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh và quá cảnh lên thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia; Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến năm 2018 tất cả các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động XNK, XNC của các Bộ, ngành phải được thực hiện thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia ở cấp độ 4.

Song song với đó, theo đề nghị của Bộ Tài chính, ngày 17/11/2015,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTgphê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành hàng hóa XNK phải rà soát sửa đổi, bổ sung 87 văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành, yêu cầu quy định rõ về thời gian tiếp nhận hồ sơ, thời gian kiểm tra chuyên ngành, thời gian trả lời kết quả, đẩy mạnh ứng dụng việc trao đổi thông tin dữ liệu điện tử trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ ngành phải rà soát,rút gọn danh mục mặt hàng nhập khẩu cần phải kiểm tra tại cửa khẩu và những mặt hàng nhập khẩu kiểm tra trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường theo hướng đẩy mạnh sang kiểm tra sau thông quan, giảm áp lực lưu kho bãi và thời gian hàng hóa tại cửa khẩu.

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành triển khai khẩn trương việc rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực mình phụ trách, kết nối vào cổng thông tin một cửa quốc gia theo đúng lộ trình đưa ra tại Kế hoạch.