Làm sao xử lý “dự án ma”?

Theo Lê Sáng/batdongsan.enternews.vn

Một số địa phương đã ra tay xử lý “dự án ma”, tuy nhiên tình trạng này vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Tấm biển cảnh báo của chính quyền địa phương.
Tấm biển cảnh báo của chính quyền địa phương.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin về tình trạng “Rầm rộ dự án ma” tại nhiều địa phương mà chưa có lời giải. Thực tế cho thấy, việc các dự án “ma” được “tự vẽ ra” dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản nhưng vẫn ngang nhiên triển khai, mua bán không phải là tình trạng cá biệt tại tỉnh Hòa Bình mà đang diễn ra tại nhiều địa phương.

Chẳng hạn, vào tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã yêu cầu UBND huyện Bảo Lâm thực hiện việc ngăn chặn các hoạt động xây dựng tại hai “dự án ma” xây dựng, rao bán “chui" là Sun Valley (xã Lộc Quảng) với khoảng 41ha và Tropicana 1 (xã B’Lá).

Hay mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã khởi tố hàng chục vụ án, bị can có dấu hiệu lừa đảo nhiều chục tỷ đồng liên quan đến đất đai. Trong đó, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần thương mại tư vấn và đầu tư KingLand - Chi nhánh Bình Dương.

Được biết, trước đó, công ty KingLand đã mua 45.232,5m2 đất của người dân tại xã Định An (huyện Dầu Tiếng). Dù chưa lập thủ tục xin chủ trương phê duyệt dự án nhưng doanh nghiệp đã “tự phong” cho khu đất trên là dự án Khu nhà ở Kingland Home City 5 và rao bán cho khách hàng.

Theo đó, doanh nghiệp này đã thu tiền của 49 người với tổng số tiền khoảng 12,9 tỷ đồng nhưng không bàn giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về tình trạng các dự án “ma” ngang nhiên hình thành, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, quảng cáo rao bán rầm rộ… Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX cho rằng cần xem xét sửa đổi các quy định của pháp luật để siết chặt việc “lách luật” của những “dự án ma”. Theo Luật sư Nghĩa, các bộ cần ngồi lại và phân loại các loại vi phạm “các loại dự án am” để có những phương án xử lý cụ thể.

Bên cạnh đó, Luật sư Nghĩa cũng cho rằng đối với những trường hợp các dự án “ma” phân lô, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thì cần xem xét trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho sai phạm của chính quyền các địa phương.