Làm thế nào để hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế?

XUÂN HỒNG

(Tài chính) Sự phát triển của nền kinh tế nói chung hay những đô thị hiện đại nói riêng, dù muốn hay không cũng sẽ ít nhiều tác động và làm biến đổi những giá trị cũ – thứ vốn tồn tại và in dấu lâu đời trong chính cơ thể đô thị. Làm thế nào để đảm bảo lợi ích hài hòa, cân xứng giữa bảo tồn và phát triển là nhiệm vụ đặt ra cho mỗi quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam. Vậy nên cũng không quá ngạc nhiên khi không ít lần dư luận “dậy sóng” trước những chồng chéo trong quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế với các vấn đề bảo tồn di sản, di tích.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thời điểm năm 2013, nhằm giải quyết phần nào tình trạng ùn tắc tại nút giao thông trọng điểm Ô Chợ Dừa (nơi giao nhau của 6 con đường lớn, nhỏ), Hà Nội đã đề xuất phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Ngay lập tức, phương án này gây ra nhiều quan ngại đối với công tác bảo tồn di tích lịch sử, tạo dư luận trái chiều trong xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Thậm chí, một người từng phụ trách trực tiếp công tác khai quật Đàn Xã Tắc như TS. Nguyễn Hồng Kiên cũng phải lên tiếng: “Nếu Hà Nội làm cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, tôi sẽ kiện đến cùng”.

Chưa hết, cũng trong năm 2013, câu chuyện về việc xây dựng nhà đặt máy thí nghiệm trong khuôn viên trường Đại học Dược Hà Nội đã gây xôn xao giới kiến trúc sư và các nhà sử học về ảnh hưởng của nó tới không gian cảnh quan kiến trúc của một công trình có giá trị lịch sử, văn hóa ở cả trong và ngoài nước.

Chưa dừng ở đó, đầu năm 2014, xung quanh các phương án di dời/tu sửa/xây mới cầu Long Biên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự xung đột giữa vấn đề bảo tồn hay phát triển. Vậy nguồn gốc của sự xung đột này do đâu? Ở đây, khoan hãy bàn đến chuyện đúng/sai trong những vấn đề nêu trên nhưng có lẽ chúng ta nên điểm lại lăng kính của các bên liên quan để tìm câu trả lời.

Lí lẽ của những người muốn bảo tồn di sản

Trong câu chuyện của cầu Long Biên, nhiều người phải đặt câu hỏi: Tại sao người ta có thể tùy tiện đối xử với một cây cầu đặc biệt như vậy? hay: Khó hình dung một Hà Nội không có cầu Long Biên…

Theo PGS., TS, Nguyễn Hồng Thục, Ủy viên Hội đồng Trung ương, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, thay đổi cầu Long Biên là cách làm thô bạo. Ông Nguyễn Đình Thành, một người tốt nghiệp thạc sĩ quản trị văn hóa tại Pháp, thì cho rằng: Chuyện của cầu Long Biên nên được nhìn rộng ra là cách Việt Nam ngày nay ứng xử với di sản như thế nào. Ông nhấn mạnh: Cái cần thay đổi không phải là cây cầu, tòa nhà, công trình văn hóa, tôn giáo mà là tư duy sử dụng các công trình ấy.

Ông Thục cho rằng, một công trình cổ chỉ còn giá trị khi cái gốc của nó được bảo tồn. Phá đi xây lại như quá nhiều công trình được trùng tu, cải tạo thời gian qua là một sự lãng phí tiền của và không tôn trọng lịch sử. Theo ông, cầu Long Biên hoàn toàn có thể biến thành một bảo tàng mở, mang phong cách đầu thế kỷ XX hoặc nơi triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đương đại, nơi biểu diễn âm nhạc

GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, GS. Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cũng đồng quan điểm trên khi cho rằng: Nên giữ lại cầu Long Biên với chức năng đi bộ, bảo tàng, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa chứ không phải để ô tô, tàu hỏa qua lại.

PGS. Trần Trọng Hanh, Phó Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng khẳng định: Giá trị văn hóa tinh thần phải được đặt lên trên công năng giao thông. Thậm chí, KTS. Nguyễn Thành Long, Phòng Nghiên cứu lịch sử kiến trúc, Viện Kiến trúc Quốc gia, còn thẳng thắn lên án: Đừng đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu...

Lý lẽ của những nhà quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế

Ý kiến của những người muốn bảo tồn di sản thì như vậy, nhưng những người ủng hộ chiều hướng phát triển cũng không phải không có lý lẽ riêng của họ.

Trở lại với câu chuyện của cầu Long Biên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho rằng vấn đề bảo tồn cầu Long Biên phải được đặt cạnh vấn đề phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo việc đi lại của người dân. Theo ông Liên, người Đức đã từng giữ lại một phần của bức tường Berlin  hay chiến trường Điện Biên Phủ giữ lại hầm De Castries, đồi A1... chứ không bảo tồn tất cả công trình.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội: Làm một cây cầu chẳng khó gì, nhưng tiền ở đâu, đầu tư bằng nguồn nào là cả một vấn đề cần phải cân nhắc. Vì thế, quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là bảo trì, nâng cấp phát triển lại cây cầu giống như một ngôi nhà cổ. Cần hạn chế giải phóng mặt bằng, di dân phố cổ, vì đây là việc làm rất khó.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, riêng với dự án xây cầu đường sắt, Bộ hoàn toàn đồng ý với phương án mà Thủ tướng đã phê duyệt từ 2011 - xây một cầu mới cách cầu Long Biên hiện tại 30 m, bởi đây là phương án khả thi nhất, tiết kiệm chi phí nhất vì giải phóng mặt bằng không lớn.

Từ góc độ những người làm công tác thiết kế, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, cũng đồng tình với kiến giải trên: Dễ hiểu khi ngành giao thông muốn xây cây cầu mới lên vị trí cầu Long Biên hiện tại, hoặc chỉ dịch ra cách đó vài chục mét, bởi đó là luồng đường sắt đã có từ 100 năm và hạn chế tối đa khâu giải phóng mặt bằng.

Còn dưới con mắt của những nhà thi công, ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Tổng giám đốc TEDI cho rằng: Khu vực cầu Long Biên cần thiết phải xây dựng các công trình đảm bảo cho tuyến đường sắt đô thị số 1, đường sắt quốc gia cũng như giao thông đô thị kết nối hai bên sông Hồng.

Làm thế nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển?

Câu chuyện của cầu Long Biên hay rất nhiều di sản khác đã đặt ra cho chúng ta bài toán là phải làm sao để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trong rất nhiều giải pháp của các chuyên gia đưa ra, có thể tựu trung ở một số điểm sau:

Thứ nhất, trước mỗi vấn đề phải có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan ngay từ đầu. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chắc chắn sẽ còn vấp phải nhiều vướng mắc nếu không có sự thống nhất giữa dư luận, chủ sở hữu với các cơ quan quản lý. Người dân, các nhà khoa học, các chuyên gia liên quan tới bảo tồn di sản không thể chấp nhận việc mình chỉ là người bày tỏ quan điểm còn việc thực thi là chuyện của các cấp quản lý, của những nhà đầu tư luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu.

Thứ hai, phải gắn di sản với đời sống đương đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác. Trước mỗi phương án được đưa ra, chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Bảo tồn để làm gì? Bảo tồn và phát huy giá trị bằng cách nào để có tiền và làm như thế nào để thu hồi tiền?

Thứ ba, phải tìm được sự gắn kết giữa di sản với cộng đồng: “Chúng ta cần nhìn nhận rõ vai trò của cộng đồng trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Trong khi di sản va chạm với họ hàng ngày, họ không được hưởng lợi từ di sản thì không muốn gắn bó” (theo PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam)

Thứ tư, trong công tác bảo tồn, phải nhất thiết trả lời được ba câu hỏi: Một là, có cần bảo tồn không? Hai là, bảo tồn để làm gì? Ba là, bảo tồn bằng cách nào? (KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội)

Thứ năm, đối với những nhà quy hoạch, quản lý, mỗi dự án/chương trình đưa ra phải mang tầm vĩ mô, xuyên suốt và phải có “phông” văn hóa của những nhà di sản.

Thứ sáu, phát triển kinh tế du dịch, đặc biệt là du lịch di sản sẽ là một hướng đi đúng đắn để giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển.

Trở lại với câu chuyện của cầu Long Biên, ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ trong cuộc họp gần đây đã nhận được sự đồng tình của dư luận, đó là không phá dỡ cầu Long Biên, việc xây cầu mới thế nào cần có sự ngồi lại bàn bạc của các đơn vị liên quan.

Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển sẽ bùng phát gay gắt hay được hóa giải nhẹ nhàng phụ thuộc vào sự “khôn ngoan” của các chính sách phát triển đô thị, các giải pháp kiểm soát và quản lý đô thị. Những ứng xử trân trọng di sản của các nhà quản lý và cộng đồng sẽ giúp bảo tồn và duy trì những di sản vô giá của quá khứ, làm hài hòa với sự phát triển của đô thị đương đại. Di sản đô thị nếu được quản lý và ứng xử phù hợp sẽ không cản trở sự phát triển của đô thị - mà ngược lại, sẽ góp phần phát triển kinh tế đô thị, làm dày dặn thêm quỹ di sản đô thị được bồi đắp qua các thời kỳ, tạo nên “hồn cốt” cho đô thị, mang đến niềm tự hào lịch sử cho cư dân của đô thị ấy.