“Làm thoáng” cơ chế, gia tăng hút nhà đầu tư nước ngoài

Hữu Hòe

Nhiều ý kiến đề xuất, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài, nhằm hỗ trợ Việt Nam gia tăng hiệu quả trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

 Nhiều kiến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp

Ngày 28/5, diễn ra Hội thảo giữa Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) về giấy phép lao động và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Đông đảo đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia tham dự Hội thảo
Đông đảo đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia tham dự Hội thảo

Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) và bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) chủ trì Hội thảo.

Hội thảo thu hút đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham dự như: Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam…

Tại sự kiện, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã thẳng thắn đưa ra những bất cập, vướng mắc trong quá trình xin giấy phép lao động cho người nước ngoài, với mong muốn sớm được tháo gỡ, nhằm hỗ trợ Việt Nam gia tăng hiệu quả trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

“Quy trình cấp giấy phép lao động của Việt Nam phức tạp hơn so với hầu hết các quốc gia trong khu vực…”, ông Laurent Quistrebert, Thành viên Ban Quản trị, Nhóm Công tác Nguồn nhân lực (VBF) Việt Nam phản ánh.

Ông cũng cho rằng, quy định về thông báo tuyển dụng và xin công văn chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài vẫn là một bước bắt buộc trong quy trình ở Việt Nam, trong khi nhiều nước trong khu vực đã có quy định ngoại lệ cho các trường hợp điều chuyển nội bộ trong công ty hoặc trong tập đoàn, bổ nhiệm các vị trí ngắn hạn hoặc các vị trí đang thiếu lao động có trình độ. Quy trình hợp pháp hóa giấy tờ ở Việt Nam phức tạp hơn các quốc gia khác trong khu vực và gây chậm trễ đáng kể.

Từ thực trạng trên, ông Laurent Quistrebert đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể cho cơ quan quản lý Việt Nam như: Lược bớt các loại giấy tờ phải hợp pháp hóa lãnh sự; tránh tình trạng đã nộp hồ sơ điện tử sau đó lại phải nộp thêm bản giấy; cần cân nhắc bổ sung các loại giấy phép cấp cho người lao động nước ngoài để tạo sự phân biệt về kỹ năng và thời hạn làm việc, tránh tình trạng hiện nay thời gian làm việc ngắn và dài hạn cũng đều phải xin cấp phép với thủ tục và quy trình như nhau.

“Chúng tôi hy vọng các vướng mắc về thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài sẽ được cơ quan chức năng Việt Nam tháo gỡ, nhằm gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, bà Virginia Foote, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Bay Global Strategies, Phó Chủ tịch Amcharm chia sẻ.

Bà Huyền Nguyễn, Nhóm Công tác Nguồn nhân lực (VBF) đề nghị, trong lần ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP này cần cụ thể, càng chi tiết càng tốt, để quá trình đưa vào áp dụng không bị vướng, bởi theo kế hoạch không có thông tư hướng dẫn.
Bà Huyền Nguyễn, Nhóm Công tác Nguồn nhân lực (VBF) đề nghị, trong lần ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP này cần cụ thể, càng chi tiết càng tốt, để quá trình đưa vào áp dụng không bị vướng, bởi theo kế hoạch không có thông tư hướng dẫn.

Đề xuất nhiều quy định mới 

Cùng với giải đáp cụ thể các câu hỏi từ phía cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, Nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP đưa ra nhiều quy định mới, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (thứ 3 từ phải sang) cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ trung tuần tháng 6/2025
Bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (thứ 3 từ phải sang) cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ trung tuần tháng 6/2025

“Chúng tôi tiếp thu các ý kiến góp ý của đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, để sớm hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ ban hành. Các quy định tại Nghị định mới sẽ cởi mở, thông thoáng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ là tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính.”, bà Quyên cho hay.

Bà cho biết thêm, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP đã trình sang Bộ Tư pháp để thẩm định. Dự kiến ngay trong tuần tới, Bộ sẽ tiến hành thẩm định. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành theo thủ tục rút gọn, để có hiệu lực ngay từ trung tuần tháng 6/2025.

Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), cho biết, ngày 22/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 69/CĐ-TTg về tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, yêu cầu khẩn trương tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025. Bảo đảm 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ…

“Để đạt được các yêu cầu trên là nhiệm vụ nặng nề, nhưng phải làm, bởi đó là mục tiêu quan trọng để phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến đa chiều từ phía đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, để hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP”, ông Chung chia sẻ.

Theo ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, qua Hội thảo hôm nay sẽ tổng hợp được 38 nội dung thuộc 5 nhóm vấn đề, trong đó nhiều nội dung đã tìm được giải pháp tốt
Theo ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, qua Hội thảo hôm nay sẽ tổng hợp được 38 nội dung thuộc 5 nhóm vấn đề, trong đó nhiều nội dung đã tìm được giải pháp tốt

Ông Chung cũng cho biết, tinh thần ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 152/2020/NĐ-CP theo hướng sửa đổi toàn diện, sẽ tạo ra bước tiến mới về cấp phép cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam.

“Tới đây, dự thảo Nghị định sẽ được đưa ra lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Chúng tôi sẽ tham mưu để Bộ trưởng Bộ Tài chính có ý kiến khi Chính phủ họp cho ý kiến vào dự thảo, để đảm bảo nội dung được hoàn thiện trước khi ban hành theo hướng thông thoáng, khả thi”, ông Chung khẳng định.