Thực hiện năm xây dựng công tác dân vận:
Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
(Tài chính) Sáng 19/9, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân; Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2014 có xu hướng giảm so với năm 2013. Tuy nhiên số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng 12,1% so với năm 2013. Nội dung khiếu nại về đất đai chiếm gần 68,2%, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ hơn 60%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo có khoảng 59% trường hợp khiếu nại sai và 63,2% tố cáo sai.
Cũng trong năm 2014, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp hơn 370 nghìn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; đã tiếp nhận 234.281 đơn thư các loại (tăng 2,68%).
Năm 2014, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 37.716/44.426 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,9%.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, các ngành trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Công tác tiếp công dân được quan tâm giải quyết và chuyển biến tích cực với nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương tổ chức tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với người dân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tình hình khiếu nại tố cáo tuy có giảm nhưng khiếu nại đông người tăng, chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo chưa cao, còn chậm, có trường hợp áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến khiếu nại kéo dài. Một số lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm giải quyết dứt điểm tình trạng này, cán bộ làm công tác này vừa yếu, vừa thiếu….
Phó Thủ tướng yêu cầu: Mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt vị trí của mình vào người dân, tích cực, chủ động để tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, phải mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm.
Các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, cần sâu sát hơn đối với công tác này; không được quan liêu, xa dân, cửa quyền. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tích cực lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp công dân và kiện toàn bộ máy tiếp công dân.
Các cấp, các ngành phải thống nhất nhận thức, quan điểm, cách làm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cần có sự vào cuộc tham gia của các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội nghề nghiệp như Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư Việt Nam…/.