Lần đầu tiên các sản phẩm ngành chế biến, chế tạo đạt xuất siêu gần 100 triệu USD
Ngày 26/12, Bộ Công Thương cho hay, kết thúc năm 2019, có thể thấy điểm sáng của ngành công nghiệp năm nay từ 3 khía cạnh: tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thực tế, suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2019 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng công nghiệp Việt Nam, vì thế, tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2019 dự báo không cao bằng năm 2018. Mặc dù vậy, công nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, đạt 9,3%.
Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là điểm sáng của ngành công nghiệp, với mức tăng trưởng được duy trì khoảng 10,6% (so với khai khoáng tăng 0,9%, điện-nước 9,5%, và cấp nước 6,7%), và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Đóng góp vào sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu là từ các ngành: sản xuất kim loại (tăng trưởng 31,7%), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế (24,5%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (12,1%), đồ nội thất (11,3%), dệt (11,3%).
Đáng chú ý, mặc dù kinh tế và thương mại thế giới tăng trưởng chậm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 dự kiến vẫn tăng trưởng khoảng 7,8%, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới và khu vực (Thái Lan tăng 4%, Malaysia giảm 1,8%, Indonesia giảm 5,7%), trong đó đặc biệt nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,8%.
Các mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao như gỗ và đồ gỗ nội thất, dệt may, da giày, điện tử, dây cáp điện, đồ chơi và dụng cụ thể thao... đã góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam trên thị trường thế giới.