Lần đầu tiên trình Quốc hội Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc
Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 đã cơ bản được hoàn tất. Báo cáo này được Kho bạc Nhà nước tổng hợp từ báo cáo của trên 57.000 đơn vị dự toán cấp I và các cơ quan quản lý công sản, tài chính, thuế trong cả nước. Theo kế hoạch, Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 sẽ trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.
2019 là năm đầu tiên Việt Nam lập Báo cáo tài chính nhà nước. Báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện nhằm cung cấp đầy đủ, toàn diện thông tin về tình hình tài chính và ngân sách nhà nước giúp Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức quốc tế đánh giá hiệu quả chi tiêu công; kiểm tra giám sát hoạt động tài chính nhà nước, cũng như đánh giá năng lực sự tín nhiệm của nền tài chính quốc gia. Theo kế hoạch, Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.
Theo quy định của Luật Kế toán năm 2015, sau khi được Quốc hội phê duyệt báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và cho ý kiến về Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị được Nhà nước giao giữ, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước trong thời hạn 30 ngày phải công khai các báo cáo trên để người dân và cộng đồng xã hội giám sát.
Thực tế cho thấy, với chức năng là Tổng Kế toán Nhà nước, với nhiệm vụ là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp thông tin, lập Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc, Kho bạc Nhà nước Trung ương đã chủ động, tích cực, kịp thời tham mưu, trình Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn; lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nhiều đợt trong cả nước; hoàn thiện hệ thống phần mềm báo cáo; giải thích các vướng mắc, khó khăn để thống nhất về nhận thức, hiểu đúng các chỉ tiêu, nguyên tắc áp dụng chế độ kế toán, phương pháp xử lý các thông tin chênh lệch về số liệu quyết toán so với các số liệu thu chi ngân sách nhà nước trong báo cáo tài chính…
Cùng với việc vận hành các hệ thống, quy trình nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước còn tích cực hỗ trợ các đơn vị cung cấp thông tin; tổ chức tập huấn nghiệp vụ lập, tổng hợp Báo cáo tài chính nhà nước cho các Kho bạc Nhà nước địa phương; các đơn vị thuộc đối tượng phải nộp báo cáo tài chính như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…
Với sự rốt ráo của Kho bạc Nhà nước Trung ương, các địa phương, các Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố đã nhập cuộc tích cực đẩy nhanh tiến độ công tác lập và tổng hợp Báo cáo tài chính nhà nước. Đến nay, về cơ bản, Báo cáo tài chính nhà nước đã được Kho bạc Nhà nước tổng hợp xong để kịp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội. Báo cáo này được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của trên 57.000 đơn vị dự toán cấp I và các cơ quan quản lý công sản, tài chính, thuế trong cả nước.
Có thể khẳng định, đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước. Bởi vì, để có thể trình ra Quốc hội Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 đúng yêu cầu và thời hạn, Kho bạc Nhà nước các cấp đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức như: Hệ thống chuẩn mực kế toán công lại chưa được ban hành, vẫn phải áp dụng các chế độ kế toán khác nhau; quy tắc thu chi ngân sách bằng tiền mặt hiện nay là chủ yếu, trong khi việc lập Báo cáo tài chính nhà nước phải áp dụng chế độ kế toán dồn tích, một nguyên tắc hoàn toàn mới và khó.
Chế độ khấu hao tài sản, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay chủ yếu phản ánh trên sổ sách, trong khi lập Báo cáo tài chính nhà nước phải phân tích tính toán, xác định rõ giá trị. Hiện trạng người làm công tác kế toán ở cơ sở vừa mỏng, vừa có chế độ không cao. Hơn nữa, do đây là công việc mới, lần đầu triển khai, ở một số cơ quan, địa phương chưa có nhận thức thống nhất về các chỉ tiêu và thiếu kỹ năng, lúng túng trong việc thực hiện…
Rút kinh nghiệm từ việc lập Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018, hiện nay Kho bạc Nhà nước các cấp đang gấp rút rà soát, đánh giá toàn diện quá trình triển khai công tác lập Báo cáo tài chính nhà nước, để từ đó có giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại và thúc đẩy triển khai tốt công tác lập Báo cáo tài chính nhà nước năm 2019.