Kho bạc Nhà nước tập huấn trực tuyến phân tích thuyết minh thông tin số liệu Báo cáo tài chính nhà nước
Ngày 17/11/2019, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức lớp đào tạo trực tuyến về hướng dẫn phân tích thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN). Mục tiêu trọng tâm là giúp KBNN cấp tỉnh, cấp huyện có thể đọc, hiểu và phân tích được các chỉ tiêu trình bày trên BCTCNN.
Tại Việt Nam trong những năm qua, các quy định, chế độ kế toán chủ yếu hướng đến cung cấp thông tin về tình hình quản lý, phân bổ dự toán ngân sách các cấp, tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) để phục vụ quyết toán NSNN. Trong khi đó, Việt Nam chưa có báo cáo tài chính để tổng hợp thông tin tình hình tài sản và nguồn vốn của Nhà nước, nợ công và các khoản phải trả của Nhà nước, kết quả hoạt động tài chính của Nhà nước... Theo đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa có đủ các thông tin đa chiều để đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân bổ các nguồn lực của đất nước... ảnh hướng đến tính hiệu quả của các quyết định quản lý.
Nội dung của buổi tập huấn gồm: Mục đích, ý nghĩa của BCTCNN; tiến độ triển khai lập BCTCNN tỉnh và một số lưu ý; hướng dẫn chuẩn bị bộ tài liệu trình UBND tỉnh; hướng dẫn phân tích BCTCNN tỉnh và ví dụ dẫn chứng minh họa.
Phát biểu khai mạc buổi đào tạo, Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn cho biết: Năm 2019 là năm đầu tiên KBNN triển khai lập BCTCNN toàn quốc năm 2018 và trình Quốc hội vào tháng 5/2020. Hệ thống KBNN tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện trọng trách này. Có thể nói, việc triển khai BCTCNN tại Việt Nam đã góp phần cung cấp bức tranh đầy đủ, toàn diện hơn về tình hình tài chính, kết quả hoạt động tài chính, dòng tiền trong hoạt động tài chính của khu vực nhà nước trên phạm vi toàn quốc và trên phạm vi từng địa phương cho các đối tượng quan tâm.
Tuy nhiên, việc triển khai tổng hợp, lập BCTCNN tại Việt Nam là một nhiệm vụ mới, tương đối phức tạp với nguồn thông tin đầu vào chủ yếu là thông tin tài chính do hơn 50 nghìn đơn vị bên ngoài cung cấp; trong khi đó, cán bộ KBNN chủ yếu am hiểu kế toán ngân sách. Vì vậy, việc lập BCTCNN, đặc biệt những năm đầu, khó tránh khỏi nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi hệ thống KBNN một mặt phải nỗ lực, đồng lòng và quyết tâm lớn triển khai thực hiện, mặt khác cần phải trang bị kiến thức giúp cán bộ KBNN hiểu được thông tin tài chính của đơn vị để phục vụ cho việc tổng hợp, lập BCTCNN cũng như hiểu, phân tích, thuyết minh các chỉ tiêu trên BCTCNN để phục vụ công tác trình, thuyết minh BCTCNN ra các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến nay, KBNN đã nhận được trên 98% Báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị, đây là kết quả rất đáng khích lệ.
“Việc lập thành công BCTCNN không chỉ là nhiệm vụ chính trị của hệ thống KBNN mà còn đặt nền móng quan trọng làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công tại Việt Nam, tiến đến một nền tài chính công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế”, khẳng định điều này, Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn cho rằng: Để lập thành công BCTCNN, bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành, địa phương cùng với những phương pháp cụ thể và bước đi chắc chắn, phù hợp, toàn hệ thống KBNN cần đồng lòng, quyết tâm khẩn trương triển khai, lập BCTCNN.
Theo đó, Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn yêu cầu các điểm cầu tập trung trí tuệ, với tinh thần trách nhiệm, tham gia nhiệt tình và đóng góp ý kiến xây dựng để lớp đào tạo đạt được các mục tiêu đề ra.
Trên cơ sở đó, đại biểu tại các điểm cầu trong toàn quốc cùng nhau thảo luận cũng như xin ý kiến để làm rõ thêm về đối tượng, nội dung của BCTCNN; một số khó khăn trong việc phân tích, giải trình báo cáo với cấp có thẩm quyền... Các nội dung trao đổi, thảo luận tham gia ý kiến đều được Lãnh đạo KBNN, Cục Kế toán Nhà nước ghi nhận, giải đáp chi tiết và hướng dẫn đề xuất cụ thể.