Mỹ không muốn đàm phán về giá dầu?
Giữa lúc cuộc chiến giá dầu căng thẳng và dịch bệnh Covid-19 đang lan tràn, OPEC+ muốn kéo Mỹ vào bàn đàm phán thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng bị Tổng thống Donald Trump từ chối, mặc dù trước đó ông quyết định thảo luận với Nga và Ảrập Xêút để có biện pháp tháo gỡ. Động thái này khiến người ta đặt câu hỏi, Mỹ thực sự không muốn đàm phán hay muốn đàm phán theo cách riêng của mình?
Nước cờ của Nga
Theo các nhà phân tích, đằng sau quyết định không thông qua đề xuất về cắt giảm sản lượng dầu của OPEC là một sự toan tính chiến lược của Nga. Từ lâu, Moscow muốn duy trì, mở rộng ảnh hưởng trên thị trường năng lượng thế giới, đồng thời giáng một đòn vào ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, khiến vị thế của nước này không còn được như trước.
Nga cho rằng, nước này đã tham gia hợp tác với OPEC theo cơ chế OPEC+, đồng thời dẫn dắt nhóm 13 nước ngoài OPEC như Azerbaijan, Bahrain... nhưng lại bị thua thiệt, trong khi đó, Mỹ vốn không bị ràng buộc bởi bất cứ tổ chức hay cơ chế hợp tác nào lại được hưởng lợi lớn. Nay việc cắt giảm sản lượng dầu sẽ chỉ giúp các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt thị phần, vì vậy, Nga tìm cách lấy lại vị thế và buộc Mỹ phải tham gia các cơ chế hợp tác dầu mỏ.
Ảrập Xêút cũng luôn muốn giữ vai trò chủ đạo trong việc điều phối động thái cắt giảm sản lượng của các nước OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác. Quyết định tăng sản lượng khai thác của Ảrập Xêút, một mặt khiến Nga phải quay trở lại bàn đàm phán, mặt khác nhân cơ hội này thoát khỏi sự “chỉ đạo” bấy lâu nay của Mỹ đối với các nước trong OPEC.
Trong cuộc chiến này, Nga đã chứng tỏ khả năng “chịu nhiệt” tốt hơn và tự tin có thể cầm cự, duy trì được giá dầu thấp trong một thời gian nữa. Với dự trữ dầu mỏ và khí đốt lên tới hơn 150 tỷ USD, Nga có đủ nguồn dự trữ để bù đắp thâm hụt ngân sách trong 6 - 10 năm, ngay cả khi giá dầu dao động từ 25 - 30 USD/thùng. Ngoài dầu mỏ, Nga vẫn có những chỗ dựa khác, chẳng hạn như ngành công nghiệp quốc phòng.
Ảrập Xêút cũng tích trữ đủ để cho phép duy trì giá dầu ở mức thấp, nhưng ngành dầu khí đóng góp tới 85% nguồn thu, 90% kim ngạch xuất khẩu và 42% GDP nước này, mức giá để cân bằng ngân sách lại quá cao (khoảng 84 USD/thùng), nếu giá dầu xuống dưới 30 USD/thùng, thâm hụt ngân sách của Ảrập Xêút sẽ vượt quá 170 tỷ USD. Ảrập Xêút đã phải kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của OPEC+ để thống nhất về việc giảm khai thác dầu.
Trong khi đó, giá dầu ở ngưỡng 30 USD/thùng sẽ là thách thức lớn cho ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, nếu giá dầu tiếp tục hạ thấp nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ có nguy cơ phá sản (Whiting - một công ty lớn hoạt động tại khu vực Bakken ở Bắc Dakota đã nộp đơn phá sản). Điều đó khiến vị trí số 1 của Mỹ về xuất khẩu dầu mỏ bị lung lay.
Sự cảnh giác của Mỹ
Ngày 1.4 vừa qua, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ, Nga và Ảrập Xêút sẽ thảo luận về việc tăng giá dầu thế giới để hỗ trợ ngành công nghiệp dầu mỏ trong bối cảnh thị trường đang tác động bởi đại dịch Covid-19. Ông nói: “Tất cả chúng tôi có kế hoạch họp lại để đánh giá xem chúng tôi có thể làm gì với thị trường dầu mỏ hiện tại. Bởi vì không ai muốn mất đi ngành công nghiệp dầu mỏ. Đó là nơi tạo ra rất nhiều việc làm”.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ và người đồng cấp Nga ngày 31.3 đã nhất trí tổ chức các cuộc thảo luận về diễn biến thị trường năng lượng, tiếp tục đối thoại cùng các nhà sản xuất dầu và tiêu thụ dầu, trong đó có Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn chưa có tiền lệ trong nền kinh tế toàn cầu.
Quá trình đàm phán đang đối mặt với một số trở ngại lớn, trong đó cuộc họp của OPEC+ vừa bị trì hoãn. Nga và Ảrập Xêút muốn Mỹ tham dự, nhưng Tổng thống Donald Trump cho đến nay lại cho thấy chưa sẵn lòng tham gia.
Các chuyên gia cho rằng, đàm phán vào lúc này là cần thiết để các bên tính toán thỏa thuận mới nhằm điều phối hiệu quả thị trường dầu mỏ khi thỏa thuận OPEC+ cho phép giữ giá dầu ở mức 50 USD/thùng trở lên đã hết hạn. Thực tế, cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ảrập Xêút đã chuyển sang cuộc chiến “tay ba”. Hơn ai hết, Mỹ hiểu rõ mục tiêu của Nga khi kiên quyết từ chối đề xuất của OPEC, trong bối cảnh giá dầu liên tục giảm.
Theo giới quan sát, nước cờ của Nga nhằm cân chỉnh thị trường dầu mỏ toàn cầu theo hướng công bằng hơn, khiến Mỹ không thể nghiễm nhiên được hưởng lợi như trước, và cũng không thể dễ dàng sử dụng năng lượng như một công cụ kiểm soát kinh tế và chính trị trên phạm vi toàn cầu. Nhân cơ hội này Nga cũng có thể thương lượng với Mỹ về một số nhượng bộ liên quan đến việc gỡ bỏ hoặc giảm bớt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thời gian qua.
Với tình hình hiện tại, Mỹ không thể đứng ngoài cuộc bởi những hậu quả của cuộc chiến giá dầu đối với ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ. Mặt khác, nếu thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu thô không được thông qua, thị trường sẽ buộc các nhà sản xuất giảm sản lượng vì không còn “chỗ chứa dầu” như nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Tuy nhiên, còn rất nhiều mâu thuẫn khi tiến tới một thỏa thuận mới khi Mỹ chỉ muốn làm vai trò trung gian cho Nga và Ảrập Xêút, không chịu cắt giảm sản lượng, cũng không muốn tham gia cơ chế OPEC+, điều đó rất khó chấp nhận đối với Nga cũng như với Ảrập Xêút, và vấn đề vốn tồn tại sẽ vẫn chưa được giải quyết.
Phương án khả thi có thể là một thỏa thuận mới (OPEC+), trong đó có cả Nga, Mỹ cùng một số nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC. Trước mắt là một thỏa thuận “không chính thức” về cắt giảm sản lượng, khi các nước đang dành nguồn lực lớn để chống lại đại dịch Covid-19.