Lần đầu tiên Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G-20

Theo chinhphu.vn

Ngày 25/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có mặt tại Toronto, Canada để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20. Đây là lần đầu tiên VN tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20, với cương vị Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN 2010. Tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh…

Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Stephen Harper, đồng chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần thứ 4 tại Toronto từ ngày 26 đến ngày 27/6 với cương vị Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN 2010. Tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, đại diện lãnh đạo các bộ ngành hữu quan.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 24/6, Phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga cho biết: “Việc Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2010, tham dự Hội nghị G-20 khẳng định vai trò tích cực của ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng trong việc phối hợp với các nước giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt để bảo đảm sự phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới”.

Đại diện cho các nước ASEAN, Việt Nam sẽ nêu các ưu tiên, tầm nhìn và quan điểm của ASEAN và khu vực trong việc giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế toàn cầu, tăng cường sự phối hợp của G-20 với các nhóm nước khác, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong đó có ASEAN.

Việt Nam sẽ đại diện cho các nước ASEAN đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu, quá trình xây dựng thể chế G-20 và xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu phù hợp với lợi ích của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; qua đó, khẳng định vai trò của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong cộng đồng quốc tế, đồng thời thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên G-20, đặc biệt là các nước đối tác ưu tiên của Việt Nam.

Hội nghị Cấp cao G-20 lần này sẽ thảo luận các nội dung quan trọng của kinh tế toàn cầu. Về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới, các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ xem xét cả triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới, những thách thức như thâm hụt tài khóa, nợ chính phủ, thời điểm rút các gói kích thích kinh tế...

Hội nghị cũng thảo luận các nội dung như triển khai khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng (đã được thông qua tại Pittsburgh) và củng cố tài khóa; cải cách các thể chế tài chính quốc tế; cải cách các quy định tài chính; thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư và chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy vòng đàm phán Doha. Ngoài ra, Hội nghị Toronto cũng sẽ xem xét một số nội dung khác như phát triển xanh, chống trợ cấp năng lượng, một số vấn đề về phát triển...